Xây dựng văn hóa đọc

02/05/2018 | 10:00 GMT+7

Thư viện tỉnh Hậu Giang luôn cố gắng tổ chức nhiều hoạt động thu hút độc giả đến với sách, kích thích lòng yêu sách, nhưng dường như sự quan tâm của độc giả chưa nhiều.

Thư viện tỉnh Hậu Giang chú trọng tổ chức nhiều hoạt động để thu hút độc giả.

Nhiều cách thu hút

Hàng năm, Thư viện tỉnh đều tổ chức chuỗi hoạt động để hưởng ứng Ngày sách Việt Nam. Không chỉ tại Thư viện tỉnh, thư viện xã, phường, thị trấn đều tổ chức tùy theo điều kiện của từng nơi. Các hoạt động triển lãm, giới thiệu sách, cùng nhiều trò chơi về sách đã thu hút không ít người dân, học sinh.

Tại Thư viện tỉnh, các hoạt động này “xôm tụ” nhất, đông đảo học sinh, sinh viên và người dân đến tham gia. Bà Võ Thị Thu Hương, Giám đốc Thư viện tỉnh, chia sẻ: “Đây là một trong những cách chúng tôi làm để thu hút người dân đọc sách. Chúng tôi còn trao những phần quà dành cho các độc giả nhiều lần mượn sách của thư viện trong một năm…”.

Hoạt động này chỉ diễn ra một lần trong năm, còn thường ngày, để thu hút độc giả, thư viện đã làm nhiều cách, từ việc tạo điều kiện cho độc giả làm thẻ đọc, mượn trực tuyến đến việc vận động học sinh trong hệ thống nhà trường trên địa bàn làm thẻ vào nhiều đợt, xây dựng phòng đọc ngăn nắp, ấm cúng; cán bộ thủ thư vui vẻ, nhiệt tình hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất khi bạn đọc đến đọc tại chỗ hay mượn về. Thư viện còn có phòng đọc internet miễn phí để độc giả có thể tra cứu những thông tin cần thiết. Giờ phục vụ cũng linh động cả buổi tối để tạo điều kiện cho người dân đến đọc sách. Hệ thống thư viện huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn trong tỉnh cũng được trang bị một lượng sách đa dạng để phục vụ độc giả. Tùy vào điều kiện của từng nơi, hàng tháng, quý đều có luân chuyển sách để luôn có sách mới…

Độc giả lơ là với sách ?

Dù làm nhiều cách, nhưng xem chừng lượng độc giả đến hệ thống thư viện không đông, chỉ tập trung nhiều nhất tại Thư viện tỉnh, nằm nay trung tâm đô thị Vị Thanh, gần nhiều trường học, có lực lượng học sinh, sinh viên đông đảo. Tuy nhiên, số lượng thẻ của Thư viện tỉnh cũng chỉ dao động ở mức 2.000 thẻ. Lý giải việc không nhiều người đến thư viện đọc sách, nhiều người cho rằng hiện nay có quá nhiều kênh thông tin, mạng xã hội lại bùng nổ. Thời gian càng hiếm hoi, nên giờ dành cho đọc sách cũng ít dần. Điều này vô hình trung làm cho một thói quen đẹp đang dần mờ nhạt trong mỗi con người. Ngay ông Nguyễn Tấn Kiệt, phường III, thành phố Vị Thanh, một độc giả là bạn đọc thân thiết của Thư viện tỉnh, cũng ưu tư: “Tôi đọc vậy thôi chứ con cháu trong nhà, cũng đang lứa tuổi học sinh mà kêu nó không chịu đọc. Nhiều khi mình cũng chủ ý mượn những quyển sách phù hợp với lứa tuổi của chúng. Hỏi thì chúng nói là lướt web có hết, đọc tốn thời gian…”.

Nhiều học sinh, sinh viên đến tham gia Ngày hội đọc sách hàng năm, mỗi em đều cầm trên tay chiếc điện thoại, mắt không rời màn hình, chốc chốc ngước lên cũng để chụp hình. Các em bảo ít đọc và cũng chẳng đến thư viện, nên không biết trong thư viện có gì. Có em nói thời gian học ở trường, rồi học thêm mệt rã người, nên còn đâu thời gian và sức lực để đọc. Ngay trong giới công chức, viên chức, cũng không có nhiều những người có thói quen đọc sách… Thời đại càng phát triển, càng có nhiều phương tiện để tìm kiếm thông tin, đọc sách xem ra đang trở thành một món xa xỉ. Đây là một tín hiệu đáng lo, phải chăng mọi người đang lơ là với kho tàng tri thức không gì có thể thay thế được?!

Tạo thói quen đọc sách, chính là nền tảng để xây dựng văn hóa đọc, không hề dễ, không phải chỉ có thư viện là làm được. Mà thói quen này hình thành từ khi còn người trên ghế nhà trường, trong một môi trường thân thiện và gần gũi với những quyển sách. Xây dựng thói quen đọc sách rất cần có sự phối hợp, kết hợp của ngành giáo dục và đào tạo, để từng bước xây dựng thói quen đọc sách cho mỗi người, để kho tàng tri thức quý giá được con người tìm tòi, khám phá và vận dụng trong cuộc sống của mình.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích