An ninh trật tự ở cơ sở y tế: Còn đó nỗi lo

02/06/2017 | 08:39 GMT+7

Các vụ gây mất an ninh trật tự ở cơ sở y tế làm ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh, không đảm bảo an toàn của bệnh nhân và cả nhân viên y tế. Hiện nay, các cơ sở y tế chưa thể chủ động được mỗi khi có vụ việc xảy ra.

Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, nơi từng xảy ra vụ đánh bệnh nhân ở khoa ngoại.

Bị động

Gần đây nhất là vụ đánh nhau làm mất an ninh trật tự ở Khoa ngoại, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp. Theo lời kể của ông Huỳnh Quốc Kính, cán bộ y tế Khoa ngoại, trực tiếp chứng kiến: “Lúc này, có hai bệnh nhân bị chém được đưa vào khoa. Chúng tôi đang cầm máu và khâu vết thương cho bệnh nhân thì có một nhóm người đến đánh bệnh nhân. Chẳng thể làm gì mới gọi bảo vệ để gọi công an đến. Nhưng khi công an đến nhóm người này đã đi rồi”. Đây là đặc điểm chung của các vụ làm mất an ninh trật tự ở cơ sở y tế, vụ việc diễn ra bất ngờ, nhanh nên lực lượng công an không thể hỗ trợ kịp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thành Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, nói: “Mỗi ngày, trung tâm chỉ có một bảo vệ trực và cũng không có công cụ gì để tự vệ nên không thể khống chế được khi các vụ việc xảy ra. Không có bảo vệ hành lang, bảo vệ cũng chưa được tập huấn. Vì vậy, trung tâm rất bị động trước những vụ việc như thế này”.

Không thể bảo vệ được bệnh nhân mà từ vụ việc trên còn gây lo lắng cho cán bộ y tế. Ông Kính chia sẻ: “Chưa có gì bảo vệ cán bộ y tế khi làm nhiệm vụ trong các trường hợp như thế này khiến mình rất lo lắng”. Trung bình mỗi ngày có từ vài trăm bệnh nhân đến cả nghìn người vào khám bệnh tại mỗi bệnh viện, trung tâm y tế nếu không đảm bảo được an ninh trật tự sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân và cán bộ y tế.

Trộm cắp cũng diễn ra ở bệnh viện, trung tâm y tế. Ông Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Trong năm 2016, bệnh viện có trên 10 vụ trộm điện thoại, tiền. Không gian bệnh viện rộng, cấu trúc nhiều tầng, nhiều phòng bệnh, người ra vào bệnh viện đông khó kiểm soát. Đội ngũ bảo vệ nghiệp vụ chưa chuyên nghiệp, công cụ hỗ trợ chưa đầy đủ nên khó khăn trong đảm bảo an ninh trật tự”. Chính vì là nơi phục vụ chung cho tất cả mọi người dân nên việc kẻ xấu lẻn vào cơ sở y tế để trộm cắp tài sản là khó tránh khỏi khi người bệnh, thân nhân người bệnh thiếu cảnh giác.

Ở Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh chưa nhiều nhưng cũng xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự. Ông Huỳnh Định Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ, cho hay: “Trộm cắp chưa có ở trung tâm, nhưng xảy 3 vụ người thân người bệnh gây mất an ninh trật tự. Người nhà bệnh nhân nôn nóng khi đưa người thân đến cấp cứu đã làm cản trở quá trình cứu chữa cho người bệnh ở cơ sở. Trung tâm phải nhờ công an huyện hỗ trợ và tuyên truyền, vận động gia đình”. Nghiệp vụ bảo vệ chưa cao nên chưa ứng phó được các tình huống xảy ra là vấn đề cần có giải pháp khắc phục để đảm bảo an ninh trật tự và để cán bộ y tế, bệnh nhân an tâm ở các cơ sở y tế.

Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ

Theo ông Lê Thành Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, do các vụ việc xảy ra chớp nhoáng nên không thể dựa vào công an, mà cơ sở y tế phải tự vệ là chính bằng lực lượng bảo vệ tại chỗ. Tuy nhiên, hiện tại lực lượng bảo vệ ít, chưa có bảo vệ ở hành lang nên cần tăng cường lực lượng bảo vệ trực và phải trang bị công cụ như ba trắc hay roi điện để bảo vệ mới có thể khống chế được khi các tình huống bất thường xảy ra. Tập huấn để lực lượng bảo vệ trở nên chuyên nghiệp hơn nhằm tự vệ tại cơ sở kịp thời ứng phó với các tình huống làm mất an ninh trật tự như vừa qua. Một số cơ sở y tế khác thì đề xuất cho chủ trương để cơ sở y tế thuê công ty vệ sĩ để thực hiện công tác an ninh trật tự hiệu quả cao hơn.

Đề ra giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự ở các cơ sở y tế, thượng tá Lâm Phước Nguyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho rằng: “Trong tổng số 51 vụ việc làm mất an ninh trật tự ở cơ sở y tế năm 2016 phải làm rõ các vụ việc để nắm nguyên nhân mới có giải pháp thực hiện phòng ngừa trong thời gian tới. Chú trọng việc phòng ngừa là chính. Khoa cấp cứu nếu có những đối tượng chém nhau vào nên phòng ngừa, suy đoán trước tình huống xảy ra. Khoa cấp cứu không cho người thân bệnh nhân vào thì nên thực hiện nghiêm quy định này để tránh tình trạng người nhà bệnh nhân gây rối làm mất trật tự. Thái độ ứng xử của cán bộ y tế cũng cần được lưu ý. Công tác tuyên truyền phòng ngừa cần được tăng cường thực hiện ở bệnh viện. Chúng tôi sẽ phối hợp tập huấn để các bảo vệ có nghiệp vụ về bảo vệ, đối phó với tội phạm”. Cũng theo ý kiến của ông Nguyên, các cơ sở y tế cần tự phòng, tự quản, tự bảo vệ trước khi có sự hỗ trợ của công an.

Ngoài việc cung cấp số điện thoại đường dây nóng của cảnh sát 113 và cơ quan công an gần nhất để có thể liên hệ khi có vụ việc xảy ra, thì giải pháp quản lý bằng camera cũng được cho sẽ hiệu quả. Ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Sở sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế thành lập, củng cố đội bảo vệ, ưu tiên tuyển dụng bảo vệ là bộ đội. Các cơ sở y tế phải đầu tư kinh phí để thực hiện tốt công tác an ninh trật tự. Tất cả cơ sở y tế đều có camera đề nghị sử dụng phát huy hiệu quả, có thể trang bị thêm màn hình quan sát ở phòng bảo vệ để thuận tiện cho việc quan sát tình hình an ninh trật tự ở các khu. Sở Y tế và Công an tỉnh sẽ ký kết quy chế phối hợp để đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở y tế”.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>