Bình đẳng giới - Câu chuyện những tuyên truyền viên tích cực

06/08/2019 | 10:50 GMT+7

Với hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình trong người dân ngày càng được nâng lên. Kết quả này, có đóng góp của những tuyên truyền viên tích cực.

Mỗi câu chuyện, tình huống tại hội thi, giúp mọi người hiểu sâu hơn về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.

Từ những câu chuyện thật

Trong thời gian 7 phút, đội ấp Thị Tứ, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, đã mang đến Hội thi Tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống bạo lực gia đình năm 2019, vừa được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tại thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tình huống nói về một gia đình cứ hay mâu thuẫn, vợ chồng rầy rà, bởi người chồng không lo cho gia đình. Dẫu là những diễn viên không chuyên, nhưng mọi người ai nấy đều diễn tự nhiên, tự tin trong từng câu thoại, mà không hề bị khớp, hay run. Bà Lê Hồng Ngự, ở ấp Thị Tứ, chia sẻ: “Những gì diễn hôm nay là những điều chúng tôi thường tuyên truyền với bà con, nên ai nấy đều tự tin, không bị luống cuống. Với lại, tình huống chúng tôi đem đến hội thi là chuyện có thật tại địa phương nên mấy anh chị em dẫu đang diễn, nhưng cảm thấy như đang tuyên truyền trực tiếp đến các thành viên của gia đình”.

Cũng mang câu chuyện thật đến hội thi, ông Nguyễn Văn Mót, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Chúng tôi là nông dân, có thi diễn gì đâu, đến hội thi chủ yếu nói những gì mình đã làm hàng ngày nên chúng tôi mới được tự nhiên như vậy. Chứ phải học bài, hoặc không thường xuyên tuyên truyền mà nói chắc run lắm, thậm chí còn quên lời thoại nữa”. Câu chuyện mà đội ông Mót mang đến hội thi là chuyện người chồng không lo làm ăn, tối ngày nhậu nhẹt say xỉn, ngoài ra còn cờ bạc, đá gà... nhưng sau khi được các tổ chức đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, vận động, giải thích, người chồng đã nhận ra sai trái của mình, quyết tâm sửa đổi, chí thú làm ăn. Ông Mót chia sẻ: “Tôi nghĩ, trong công tác tuyên truyền bình đẳng giới cần phải thay đổi cách làm, không thể mãi đọc luật, nghị định đến người dân bởi rất khó nhớ. Để người dân hiểu và thực hiện đúng, phải dùng nhiều hình thức tuyên truyền thật sinh động, gần gũi, từ những câu chuyện thực tế ở địa phương, từ chính những tấm gương hạnh phúc gia đình ngay trong cộng đồng dân cư”.

Bằng hình thức sân khấu hóa, sự năng động, sáng tạo, sự chuẩn bị công phu, chu đáo, các đội đã mang đến hội thi những phần trình diễn ấn tượng, hấp dẫn với những kinh nghiệm quý, cách làm hay trong công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, cách thức giải quyết những tình huống bạo lực gia đình nảy sinh trong cuộc sống.

Cơ hội tuyên truyền sâu về bình đẳng giới

Là đơn vị được chọn làm điểm để tổ chức Hội thi Tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống bạo lực gia đình năm 2019 của huyện Châu Thành A, thị trấn Một Ngàn đã có sự chuẩn bị chu đáo. Hội thi đã quy tụ 7 đội trên địa bàn thị trấn tham gia. Các đội tham gia dự thi đã có sự chuẩn bị, tập luyện chu đáo để đem đến những phần thi hấp dẫn, sôi nổi. Bà Võ Thị Hết, ở ấp Nhơn Thuận 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Đến với hội thi, đội của tôi đã dành nhiều thời gian tập luyện cả về lý thuyết và kỹ năng thực tiễn. Những nội dung thi đều là những kinh nghiệm thực tế, cách xử lý tình huống mà chúng tôi vẫn thường trực tiếp giải quyết ở địa phương”.

Hội thi gồm có 3 phần tự giới thiệu, trả lời câu hỏi và xử lý tình huống. Những tình huống khó, những vấn đề mà người dân quan tâm được các đội thi xử lý khéo léo, linh hoạt, sáng tạo và có tính thuyết phục cao. Theo ông Hồ Võ Giang Hải, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, mặc dù là diễn viên không chuyên nhưng với sự quyết tâm, các đội đã sắp xếp thời gian học kịch bản, tập dợt nghiêm túc với mục tiêu mang lại kết quả tốt nhất. Các đội có sự sáng tạo trong tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình.

Là một trong những đơn vị sắp tổ chức hội thi, bà Nguyễn Thị Thúy Như, Phó Chủ tịch UBND phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Để chuẩn bị tốt cho hội thi, chúng tôi đã chỉ đạo các ấp, khu vực tìm hiểu kỹ về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em... Cùng với đó, chuẩn bị chu đáo cho phần thi tự giới thiệu, để phần thi của đơn vị được hấp dẫn”.

Những diễn viên không chuyên cũng chính là những tuyên truyền viên tích cực, đã đem những câu chuyện thật của đời sống lên sân khấu. Hội thi là dịp để mọi người trao đổi, học tập lẫn nhau trong công tác vận động, tuyên truyền giúp người dân hiểu hơn các quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, cũng như các kỹ năng tuyên truyền, góp phần thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hóa tại địa phương.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>