Bù đắp nỗi đau chiến tranh

22/09/2017 | 06:04 GMT+7

Chăm lo nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam (CĐDC)/Dioxin đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Mỗi một tấm lòng chia sẻ là một nỗi đau như được vơi đi...

Công tác chăm lo gia đình nạn nhân da cam luôn được các cấp, các ngành quan tâm.

Ấm lòng những sự chăm lo

Có dịp đến thăm một số gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC trên địa bàn tỉnh, mọi người sẽ nhận thấy đời sống của họ đã có sự thay đổi. Những gia đình có nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC đều được hưởng trợ cấp hàng tháng, ngoài ra còn được hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà ở, hỗ trợ cây giống, con giống, trợ cấp đột xuất lúc khó khăn, hoạn nạn... Những việc làm ấy đã góp phần sưởi ấm, xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Bà Trương Thị Mười Hai, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Chiến tranh qua đi, diện mạo làng quê ngày càng thay đổi, cuộc sống người dân được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau dai dẳng là những nạn nhân CĐDC đang phải từng ngày gánh chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Những năm qua, huyện Vị Thủy không ngừng quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân, để họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.

Với tinh thần chia sẻ cùng nạn nhân CĐDC, ngoài thực hiện đúng, đủ các chế độ, chính sách dành cho các nạn nhân, huyện Vị Thủy đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân để hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng CĐDC. Bà Lê Thị Kiển, ở ấp 7, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Con tui chẳng may bị nhiễm CĐDC. Năm nay đã 32 tuổi rồi mà cứ như đứa trẻ, có làm được gì đâu, bất cứ chuyện gì đều cần người khác trợ giúp. Hàng tháng, cháu được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội 540.000 đồng, ngoài ra vào các dịp lễ tết còn được mọi người đến thăm hỏi, tặng quà. Trước sự quan tâm ấy, gia đình tôi cũng được an ủi, ấm lòng lắm!”.

Không riêng huyện Vị Thủy, thời gian qua, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ dành cho nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC. Từ năm 2012-2017, các cấp hội đã vận động trên 40,7 tỉ đồng, để hỗ trợ cho các nạn nhân. Sự chăm lo đó phần nào tiếp thêm niềm tin, nghị lực để họ vượt qua khó khăn, cải thiện đời sống. Hoàn cảnh khó khăn, trong khi phải lo cho đứa con không may bị nhiễm CĐDC nên đời sống kinh tế gia đình bà Nguyễn Thị Vui, ở ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp cứ thiếu trước hụt sau. Cho nên, không có khả năng sửa lại căn nhà mục nát. Vì thế, khi được hỗ trợ căn nhà tình thương cả gia đình ai nấy mừng đến rơi nước mắt, bởi từ đây hết sợ cảnh mưa dột gió lùa. Bà Vui chia sẻ: “Sinh con ra ai cũng mong con mình được khỏe mạnh, chẳng may con mình bị tật nguyền như vầy nên ráng mà lo. Nhờ sự quan tâm của các ngành, các cấp nên gia đình tôi mới có căn nhà vững chãi để ở, chúng tôi biết ơn sự quan tâm của mọi người nhiều lắm!”.

Sự phấn khởi của bà Vui cũng là niềm vui chung của nhiều hộ gia đình có người thân là nạn nhân CĐDC. Mỗi một nụ cười rạng rỡ xuất hiện, là sự góp sức của nhiều tấm lòng vàng trong cộng đồng lo cho các đối tượng này.Cùng chung tay góp sức

Hàng năm, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh còn tích cực vận động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân. Bên cạnh đó, hội chữ thập đỏ các cấp cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân da cam. Điển hình như phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân CĐDC” được hội thực hiện hàng năm. Qua đó, nhiều tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm đã tích cực tham gia ủng hộ vật chất, tinh thần, nhờ vậy 100% nạn nhân CĐDC trong tỉnh đều được quan tâm, hỗ trợ. Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Thành A, cho biết: “Với tinh thần đoàn kết, chia sẻ nỗi đau, chúng tôi phối hợp với Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện thường xuyên vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đoàn thể để cùng hỗ trợ, chia sẻ phần nào khó khăn với các gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC. Ngoài ra, còn vận động các đoàn y, bác sĩ đến khám bệnh, giúp mọi người được chăm sóc sức khỏe tốt hơn”.

Mỗi gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC đều có một hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả họ đều phải gánh chịu nỗi đau dằn dặt. Cảm thông, chia sẻ với những hoàn cảnh ấy, các ngành, các cấp và toàn xã hội có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo cho những nạn nhân da cam. Ông Thái Vũ, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh, cho biết: “Trong những năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng chung tay góp sức hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam bằng những hành động, việc làm thiết thực nhằm giúp nạn nhân vơi bớt khó khăn, có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống”.

Nhiệm kỳ 2010-2015, công tác chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội, nạn nhân CĐDC/Dioxin được Hậu Giang quan tâm đặc biệt, tiếp nối những thành quả đó, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh tiếp tục đề ra nhiệm vụ chung trong nghị quyết nhiệm kỳ là thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội.

Ông Thái Vũ, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh, cho biết: “Nhiệm kỳ 2012-2017, với nhiệm vụ trung tâm là chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC, đồng thời tham gia tuyên truyền, góp phần cùng cả nước đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC, các cấp hội nạn nhân CĐDC trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực, đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Trong 5 năm qua, hội đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC như trợ cấp hàng tháng, trợ cấp mai táng phí khi đối tượng từ trần, bảo hiểm y tế... Ngoài ra, huy động nhiều nguồn lực nhằm hỗ trợ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC với nhiều hình thức như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; tặng quà vào các dịp lễ, tết; tặng học bổng, cấp xe lăn, xe lắc; hỗ trợ con giống... Với những việc làm thiết thực ấy đã giúp các gia đình phần nào vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Chiến tranh đã qua đi, nhưng hậu quả để lại vẫn còn nặng nề. CĐDC đã làm cho trên 8.500 người trên địa bàn tỉnh bị phơi nhiễm. Trong đó, có trên 3.200 người nhiễm trực tiếp, trên 4.300 người nhiễm gián tiếp, trên 900 người là thế hệ thứ ba bị dị tật...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>