Buồn, vui nông dân trồng lúa thời @

10/10/2017 | 08:39 GMT+7

Liên hệ các công việc qua điện thoại, dịch vụ làm ruộng được “cò” đến tận nhà chào mời, đúng hẹn người nông dân ngồi lên xe máy chạy đến ruộng, chỉ tay và đưa ra những công việc cần làm... ngồi cà phê chờ kết quả. Thuận tiện, hiện đại là như thế, nhưng nông dân làm nghề trồng lúa cũng lắm buồn, vui.

Trục làm chết cỏ, rạ là một trong những chuỗi dịch vụ làm nông của người dân hiện nay.

Theo anh Năm Điều, ở khu vực 7, phường IV, thành phố Vị Thanh, làm lúa là một nghề “chân lấm tay bùn”, suốt ngày với cây cày, cây cuốc, dầm mưa, dãi nắng để làm ra hạt lúa. Nhưng thời nay do khoa học phát triển, người làm nghề trồng lúa dần khỏe hơn, chỉ một người có thể làm vài chục công ruộng. Riêng anh, một năm anh làm 3 vụ, chỉ nghỉ khoảng 2 tháng, từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch. Hơn 40 năm làm nghề trồng lúa, đối với anh thời trước cả nhà bốn người làm khoảng 5 công ruộng đã thấy đuối sức, từ việc làm cỏ, cày đất, trục, sạ, phun thuốc… cho đến làm ra hạt gạo để ăn đều làm thủ công gần hết. Còn bây giờ, muốn làm gì chỉ ngồi ở nhà gọi điện thoại hoặc có “cò” đến tận nhà chào mời, ra giá, nếu thấy được gật đầu là xong. Đến ngày thu hoạch, đi “mình không” đến chỗ lấy tiền về, kết thúc một vụ lúa khỏe re.

Cũng là nông dân “nòi”, anh Út Đĩnh, ở ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh chia sẻ, hiện nay người dân làm nghề trồng lúa đa số là người trung niên đến người già, lớp trẻ thì đi làm công ty, xí nghiệp. Do cơ giới hóa phát triển nhanh nên mọi việc đồng áng chỉ một hoặc hai người là có thể làm được. Tuy làm nghề trồng lúa bây giờ đỡ vất vả hơn trước, thế nhưng không có lãi nhiều, nếu gặp thời tiết bất lợi thì có thể nợ tiền phân, thuốc. Trong một năm, ít khi nào 3 vụ lại thuận lợi hết, có vụ thì bị hạn, mặn, có vụ bị ảnh hưởng mưa, bão, lũ. Theo tính toán của anh Út Đĩnh,vụ Xuân hè từ huề đến lỗ, thiên nhiên ưu đãi lắm mới có lời, vụ Hè thu thì lãi khoảng từ 1,5-2 triệu đồng/công, vụ Đông xuân thì lãi cũng khoảng 2 triệu đồng/công. Nhưng để được con số đó, người nông dân phải mất 3 tháng lam lũ mỗi vụ lúa mới có được. Ngoài ra, nếu người dân không có tiền mặt, phải mua thiếu phân, thuốc, giống… ở các đại lý thì sau khi thu hoạch họ còn lãi ít hơn, vì đại lý đã tính thêm một phần lãi trong sản phẩm.

Đối với gia đình anh Mười, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, nhà anh đơn chiếc nên anh thuê gần như toàn bộ các dịch vụ từ khâu xử lý đất ban đầu cho đến thu hoạch, bán lấy tiền. Theo anh Mười, với gần chục công đất, hai vợ chồng đâu kham nổi. Lúc trước, anh còn xịt thuốc, rải phân, bơm nước… Giờ đã có máy làm bớt một số khâu nhưng anh thấy mướn ổn hơn. Do đó, anh thuê dịch vụ, lời ít một chút, thời gian còn lại anh làm việc khác kiếm thêm thu nhập và phù hợp với sức khỏe của mình hơn.

Hiện nay, mặc dù làm nghề trồng lúa lãi ít, nhưng người dân vẫn bám trụ. Bởi làm nông là công việc đã gắn liền với họ, từ đời này sang đời khác, nên tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, nên họ tự tin với công việc, với bản thân. Cuộc sống người làm nông bây giờ cũng rất khác, họ có cuộc sống tương đối đầy đủ và sung túc cũng nhờ vào bám trụ với công việc ông cha để lại, có ti vi LCD, tủ lạnh, xe tay ga, nhà tường,… Có thể nói, làm nghề nông không giàu, nhưng là công việc phù hợp với nhiều người.

Hiện giá các loại dịch vụ làm lúa là: xới đất 90.000 đồng/công, trục 45.000 đồng/công, bơm nước một vụ 100.000 đồng/công, máy cấy lúa 600.000 đồng/công, máy gặt đập 300.000 đồng/công, xịt thuốc 15.000 đồng/công/lần, giặm lúa 140.000 đồng/ngày; mướn cân lúa 25.000 đồng/tấn…

 

Bài, ảnh: NGỌC LONG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>