Cải thiện sinh kế nông hộ vùng xâm nhập mặn

13/09/2018 | 08:51 GMT+7

Các mô hình cải thiện sinh kế nông hộ thuộc đề tài “Đánh giá thực trạng và xây dựng các mô hình cải thiện sinh kế nông hộ vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang” của PGS.TS Bùi Thị Nga, Trường Đại học Cần Thơ đã cho thấy hiệu quả tích cực.

Mô hình trồng khổ qua bằng nước thải từ biogas được áp dụng tại hộ ông Lê Văn Quân, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Hơn 1 năm qua, đề tài đã xây dựng các mô hình canh tác như: mô hình túi ủ biogas - cá sặc rằn, túi ủ biogas - bèo - ốc bươu đen và mô hình túi ủ biogas - dưa hấu tại huyện Vị Thủy. Còn bà con ở huyện Long Mỹ thì tham gia mô hình tôm càng xanh - lúa, mô hình bồn bồn - cá, mô hình túi ủ biogas - cá sặc rằn, mô hình túi ủ biogas - bèo - ốc bươu đen. Bước đầu, mô hình đã đem lại cho người dân sự lựa chọn trong việc phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập. Ưu điểm của mô hình là giúp người dân trong vùng xâm nhập mặn tận dụng được thức ăn tự nhiên nuôi cá, tận dụng khí đốt và giảm ô nhiễm môi trường. Tiêu biểu là mô hình thả nuôi cá sặc rằn kết hợp túi ủ biogas; túi ủ biogas - bèo tai tượng - ốc bươu đen - cá sặc rằn. Các mô hình đã và đang đáp ứng nhu cầu đun nấu cho hộ và đủ nước thải biogas để nuôi cá và bèo mà không phải bổ sung thêm thức ăn. Đồng thời, mô hình nuôi cá đồng kết hợp trồng bồn bồn giúp hộ dân canh tác vùng đất lúa kém hiệu quả có thu nhập ổn định.

Ông Lê Văn Chiến, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cũng không ngờ từ một loại cây dại mà đem về cho ông có thu nhập hàng trăm ngàn đồng/ngày. Đó là hiệu quả mà mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá mà PGS.TS Bùi Thị Nga hướng dẫn ông làm. Trước kia, ông phải bán ruộng vì thiếu nợ gần trăm triệu đồng do làm ăn thua lỗ. Mỗi năm, với 4 công đất trồng lúa, ông Chiến không khi nào làm được lúa vụ 3 vì đất trũng, bị nhiễm mặn. Những vụ lúa còn lại thì cũng không thu lãi hơn 1 triệu đồng/công. Vậy mà với mô hình này chỉ trồng bồn bồn hơn 3 tháng đã lời 5 triệu đồng/công. Ông Chiến chia sẻ: “Không chỉ có tiền từ bồn bồn mà tôi còn có thêm nguồn thu từ cá lóc thả ruộng. Cá ăn thức ăn tự nhiên nên thịt chắc, bán được giá cao. Nhờ mô hình này mà tôi không còn vất vả như trước, có thu nhập mỗi ngày, cải thiện được cuộc sống.

Còn các mô hình túi ủ biogas - cá sặc rằn; túi ủ biogas - bèo tai tượng - ốc bươu đen - cá sặc rằn giúp cung cấp lượng gas đủ cho gia đình sử dụng. Lượng nước thải từ túi ủ biogas được thải ra ao có chứa nhiều chất hữu cơ vi sinh, các hộ gia đình tận dụng để nuôi cá sặc rằn, ốc bươu đen, bèo tai tượng. Những hộ tham gia đã tiết kiệm chi phí sử dụng nhiên liệu đun nấu trong gia đình, làm tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đánh giá về hiệu quả mô hình, ông Bùi Văn Thà, ở ấp 4, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, cho biết là nuôi đạt khá hiệu quả. Cá sặc rằn được nuôi trong mương nước thải từ hầm biogas sau 6 tháng đã đạt trọng lượng 25 con/kg, tỷ lệ sống 90%. Ông Thà không phải tốn nhiều chi phí để mua thức ăn cho cá vì đã tận dụng được nguồn thức ăn từ nước thải và biogas giúp ông có thêm chất đốt phục vụ sinh hoạt gia đình.

Còn ông Lê Văn Quân, ở ấp 8, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ thì đánh giá cao việc sử dụng nước thải biogas để trồng khổ qua. Ông Quân nhận xét: “Mô hình cho nhiều trái mà trong suốt quá trình trồng không phải xịt loại thuốc trừ sâu nào nên rất an toàn. Mấy tháng nay, tôi đã bán được hơn 300kg với giá 10.000 đồng/kg. Tiền lãi thu về khoảng 2,5 triệu đồng vì chỉ tốn chi phí mua giống, làm giàn”.

Theo PGS.TS Bùi Thị Nga, các kết quả nghiên cứu cho thấy lượng chất thải từ túi ủ biogas, đặc biệt là chất thải dạng lỏng được khuyến cáo sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Sử dụng nước thải biogas tưới thay thế cho phân hóa học, với lợi nhuận thu được cao hơn và tiết giảm được 20-30 lít/m2/vụ nước thải biogas trực tiếp ra sông rạch sẽ góp phần giảm ô nhiễm nguồn nước.

Qua các mô hình, PGS.TS Bùi Thị Nga còn tổ chức tập huấn cho trên 180 hộ dân sống trong vùng thực hiện đề tài. Những cuộc hội thảo, tập huấn, bà con có ngay mô hình thực tế để tận mắt thấy, tai nghe và học tập nhanh hơn. Từ đó, giúp bà con bổ trợ thêm kiến thức và về ứng dụng có hiệu quả, tăng thêm thu nhập cho gia đình mình. Hơn hết, mô hình còn làm cho cộng đồng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, từ đó có những hành động dần thích ứng trong cuộc sống, trong đó có việc lựa chọn sinh kế.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>