Cần có biện pháp hạn chế tình trạng người vi phạm bỏ giấy phép lái xe

15/08/2017 | 08:11 GMT+7

Sau một buổi thống kê của các cán bộ, chiến sĩ Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, năm 2016, đơn vị còn tạm giữ hơn 900 giấy phép lái xe của người vi phạm do họ không đến làm thủ tục nộp phạt để nhận lại giấy.

Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh kiểm tra biên bản và giấy phép lái xe của người vi phạm không đến làm thủ tục nộp phạt.

Trong các trường hợp trên có các lỗi vi phạm về chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường hoặc không đội nón bảo hiểm. “Khi người vi phạm không đến làm thủ tục nộp phạt để nhận lại giấy phép lái xe, tình trạng tồn đọng như thế gây khó khăn rất lớn cho đơn vị trong lưu trữ, bảo quản. Những hồ sơ quá hạn 1 năm sẽ có thư mời gởi về địa phương người vi phạm, nếu đúng địa chỉ thì thư mời sẽ đến nơi và có phản hồi. Thế nhưng, cũng có nhiều trường hợp không đúng địa chỉ nên tỷ lệ phản hồi đơn vị nhận lại rất ít, khoảng 20%”, thượng úy Bùi Thị Mỹ Hương, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, cho biết.

Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại các đội cảnh sát giao thông thuộc công an các địa phương trong tỉnh. Thực tế, có những trường hợp người vi phạm ở tỉnh khác khi đến địa bàn Hậu Giang nộp phạt, do đường xa, tốn nhiều thời gian, tiền phạt thường cao hơn chi phí cấp giấy phép lái xe mới nên họ không đến làm thủ tục nộp phạt mà sẵn sàng bỏ và làm thủ tục xin cấp lại giấy phép.

Cũng có những trường hợp người vi phạm bị cảnh sát giao thông lập biên bản tạm giữ hoặc tước giấy phép lái xe, sau đó họ lại sang tỉnh khác để xin cấp lại giấy phép mới. Đặc biệt, do hạn chế trong liên kết mạng trực tuyến giữa đơn vị cấp giấy phép lái xe và đơn vị xử lý vi phạm nên công tác phối hợp, thông tin, xử lý chưa đồng bộ, dẫn đến giấy phép lái xe bị tạm giữ tồn nhiều trong thời gian qua.

Thiếu tá Dương Văn Trường, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Vị Thanh, nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác trao đổi thông tin, chẳng hạn khi tiến hành lập biên bản phương tiện vi phạm, tạm giữ giấy phép lái xe, đội chưa thể thông tin đến Sở Giao thông Vận tải nắm…

Còn thượng tá Nguyễn Văn Thiệp, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh, cho rằng: “Chính vì chưa có sự gắn kết giữa các cơ quan chức năng với nhau nên công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Để công tác này hiệu quả, tôi kiến nghị giữa lực lượng cảnh sát giao thông và sở giao thông vận tải các tỉnh cần có sự phối hợp chặt hơn để khi người vi phạm không đến chấp hành nộp phạt và nhận lại giấy phép lái xe thì đề nghị sở giao thông vận tải nơi người vi phạm cư trú không nên cấp lại giấy cho người vi phạm đó”.

Để những hạn chế trong công tác xử lý vi phạm, quản lý, cấp giấy phép lái xe, đặc biệt là tình trạng người vi phạm không đến nhận lại giấy phép do vi phạm sớm được khắc phục, thiết nghĩ cần có giải pháp hữu hiệu hơn. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông chấp hành nghiêm quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn cho mình và người khác.

Bài, ảnh: H.XUYÊN - PH.BÌNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích