Chăm lo tốt người có công

13/10/2020 | 05:37 GMT+7

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Hậu Giang đã thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, nhằm tri ân những gia đình chính sách, người có công với cách mạng đã cống hiến xương máu vì độc lập, tự do của nước nhà.

Hậu Giang luôn xác định công tác chăm lo gia đình chính sách là nhiệm vụ trọng tâm.

Để người có công có cuộc sống tốt hơn

Hậu Giang có trên 35.000 người có công với cách mạng, trong đó, có hơn 12.500 liệt sĩ, trên 5.700 thương binh. Từ khi thành lập tỉnh đến nay, ngoài thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ dành cho người có công với cách mạng, từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, vận động xã hội hóa, tỉnh đã xây dựng, sửa chữa hàng nghìn căn nhà tình nghĩa, giúp người có công với cách mạng an cư lạc nghiệp.

Địa phương thường xuyên đến thăm hỏi mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cưng.

Năm 2020 này, gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cưng, ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, được hỗ trợ sửa chữa nhà tình nghĩa, trước sự quan tâm này mẹ thấy ấm lòng. Năm nay, mẹ Cưng đã 96 tuổi, sức khỏe yếu, trí nhớ giảm rất nhiều, nhưng khi nhắc đến hai người con hy sinh, mẹ lại rưng rưng. Giọng run run, mẹ Cưng cho biết: “Thằng Hiệp, thằng Đông hy sinh cả rồi. Lúc hy sinh tụi nó mới có 18, 20 tuổi. Ngày tụi nó đi còn hứa sẽ mau về với mẹ, vậy mà tụi nó đã mãi mãi không về…”. Tri ân trước sự đóng góp của gia đình, mẹ đã được hưởng đầy đủ các chế độ dành cho người có công với cách mạng. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết gia đình mẹ đều được đoàn đến thăm hỏi, tặng quà. Chính quyền địa phương còn thường xuyên đến thăm, động viên mẹ sống vui, sống khỏe, rồi còn hỗ trợ xây dựng và sửa chữa căn nhà tình nghĩa… Trò chuyện cùng mọi người, mẹ Cưng cho rằng, mất đi hai người con thân yêu nhưng mẹ đã có thêm nhiều người con khác, những người con luôn hết lòng quan tâm, chăm lo cho mẹ...

Cùng với xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tỉnh luôn thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách với người có công, tạo điều kiện để mọi người phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Theo ông Hồ Quang Thắng, thương binh 3/4, ở ấp Tân Long, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, lúc chiến tranh ông và các đồng đội đã cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc. Trong những lần chạm trán với kẻ thù ông đã bị thương ở tay. Đất nước hòa bình, Đảng, Nhà nước đã quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách dành cho gia đình ông. Năm 2019, gia đình vay 50 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi cá trê. Nhờ mô hình đạt hiệu quả, kinh tế gia đình ổn định, từng bước phát triển. Đặc biệt, gia đình còn được hỗ trợ sửa chữa lại căn nhà tình nghĩa. “Trong cuộc sống hôm nay, dẫu cơ thể vẫn còn thương tích của chiến tranh, nhưng chúng tôi nguyện với lòng phải quyết tâm, phấn đấu hơn nữa, để xây dựng cuộc sống mới, đưa kinh tế gia đình ngày càng phát triển, làm gương để con cháu noi theo”, ông Thắng bày tỏ.

Mãi mãi tri ân

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng nghìn người con ưu tú của Hậu Giang đã lên đường cầm súng chống lại kẻ thù xâm lược. Trong số đó, có những người đã mãi nằm lại nơi đất mẹ, có những người may mắn trở về, phần lớn đã và đang nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới nhưng cũng còn rất nhiều người mang thương tật suốt đời, chịu sự tổn hại sức khỏe nặng nề do ảnh hưởng bom đạn hay di chứng của chất độc da cam…

Thấu hiểu những mất mát, hy sinh ấy, tỉnh nhà đã làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, góp phần xoa dịu nỗi đau, bù đắp phần nào những mất mát, hy sinh của những gia đình có công với đất nước… Theo ông Nguyễn Đăng Hải, Chủ tịch UBND thành phố Ngã Bảy, chia sẻ: Điều đáng phấn khởi hiện nay là thành phố không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo và 100% gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ nhà tình nghĩa. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục rà soát, vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa, để tiếp tục hỗ trợ các gia đình chính sách.

Trong những năm qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa luôn được Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức kinh tế - xã hội trong tỉnh thực hiện bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Qua đó, khơi dậy tình cảm trách nhiệm của Nhân dân đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, động viên những người có công tiếp tục phấn đấu vươn lên cống hiến cho xã hội. Ông Trần Quốc Hùng, thương binh 2/4, ở ấp Nhơn Hòa, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cho biết: “Khi giặc giã, chúng tôi hăng hái cầm súng lên đường đánh giặc, lúc đó, chỉ mong đất nước sớm im tiếng súng, đâu nghĩ rằng sau này sẽ được hưởng chế độ, chính sách này kia. Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, ngày nay, chúng tôi luôn giáo dục con cháu phải cố gắng lao động, học tập để trở thành người công dân có ích cho xã hội”.

Sự hy sinh của mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ, thương binh là tài sản tinh thần vô giá, trường tồn cùng lịch sử. Trân trọng, tri ân trước những đóng góp thiêng liêng ấy, Hậu Giang luôn thực hiện tốt những hoạt động chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng về vật chất lẫn tinh thần. Những việc làm ấy không chỉ thực hiện một ngày, một đợt mà đó là hành trình tri ân mãi mãi của thế hệ hôm nay và cả mai sau…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh từng nhấn mạnh: “Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Những năm qua, dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng Hậu Giang luôn nỗ lực trong công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng khá đầy đủ và toàn diện”.

Để thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đề nghị: “Các cấp, các ngành, đoàn thể, các địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng theo đúng quy định. Tiếp tục duy trì, thực hiện tốt phong trào thi đua “Xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công”. Phối hợp thực hiện tốt các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc đời sống người có công. Phấn đấu 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú...”.

 

Hậu Giang trợ cấp hàng tháng cho 42.829 lượt người có công với cách mạng

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã trao tặng trên 217.200 phần quà, tổng kinh phí trên 100 tỉ đồng từ nguồn ngân sách và vận động xã hội hóa. Xây dựng và sửa chữa trên 6.000 căn nhà tình nghĩa; hoàn thành việc giải quyết hồ sơ thương binh, liệt sĩ tồn đọng theo Quyết định 408 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có 14 trường hợp được công nhận liệt sĩ và 3 trường hợp được công nhận thương binh. Giới thiệu 284 người có công ra Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh giám định vết thương còn sót, tái phát. Thực hiện trợ cấp hàng tháng cho 42.829 lượt người có công với cách mạng; cấp mới 115.553 thẻ bảo hiểm y tế, với tổng kinh phí 776 tỉ đồng...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>