Chị em đoàn kết, vui vẻ sinh hoạt

20/10/2017 | 10:05 GMT+7

Chi hội Phụ nữ ấp 3, xã Vị Tân, được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành phố Vị Thanh đánh giá cao vì có nhiều hoạt động đoàn kết, tập hợp hội viên, xây dựng nhiều mô hình giúp nhau cùng tiến bộ.

Hội viên phụ nữ ở ấp 3 xem quần áo trẻ em của bà Hoa (ngồi).

Mô hình rau an toàn ở ấp 3 - điểm chỉ đạo của tỉnh, có 20 hộ hội viên phụ nữ tham gia hoạt động từ năm 2014 đến nay khá hiệu quả. Thành viên tiêu biểu có lẽ phải kể đến chị Đào Thị Diền.

Cái nắng tháng 10 không chói chang lắm nhưng từ sáng sớm chị Diền đã cùng chồng ra rẫy chăm sóc từng luống rau, làm cho đến quá trưa mới nghỉ. Chị Diền nói trồng rau cải cả chục năm trước nhưng quy mô nhỏ (1,5 công đất). Nhờ cần cù, tích lũy kinh nghiệm và chồng được tập huấn các lớp trồng màu, ủ phân hữu cơ nên nay có cách tổ chức sản xuất cơ bản.

Từ 1,5 công đất ban đầu, hiện gia đình chị đã sang, cố thêm tổng số 7 công đất tầm lớn. “Lúc đất ít, tôi làm một tháng rưỡi mới thu nhập được 5-6 triệu đồng. Bây giờ nhiều đất, luân phiên gieo sạ rau cải trên từng thửa nên vợ chồng làm suốt ngày. Mỗi ngày bán 100kg, cao điểm lên đến 200kg rau, cải nên thu nhập cũng không ít”, chị Diền cho hay.

Nói về sự an toàn của rau, chị Diền thông tin rằng chỉ sử dụng phân hữu cơ, bã bùn, tro trấu, phân urê; sâu thì 1 lứa rau cải khoảng 28-35 ngày chỉ xịt 2 lần lúc bướm chuẩn bị đẻ trứng. Vì vậy, không phải lo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rẫy hàng bông.

20 thành viên tham gia mô hình cũng thực hiện cách chăm sóc rau tương tự. Là hội viên phụ nữ, thành viên mô hình này nhưng chị Diền có rất ít thời gian tham gia sinh hoạt với chị em. “Cái được của chị là tận tình chỉ cho thành viên, hội viên, phụ nữ ở xóm cách trồng rau an toàn, chăm sóc rau phát triển tốt, năng suất cao và bắt mối bán rau. Chị cũng tham gia hùn vốn với chị em nhưng luôn chờ hết đợt mới nhận”, chị Nguyễn Thị Mỹ Châu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 3, nói.

Trong khi đó, hội viên khác trong ấp lại tổ chức cho mình mô hình mua vải vụn về may quần áo trẻ em để bán lại. Nhóm này có bốn thành viên, cứ cách 2 ngày là đem quần áo ra chợ Vị Thanh bán.

Bà Huỳnh Thị Hoa, thành viên mô hình, kể đây là nghề cho thu nhập chính của bốn chị trong nhóm. “Tôi và các chị có thể mua riêng hay cùng nhau mua vải vụn ở các tiệm may hay tiệm vải (bán ký - PV) sau đó chia ra. Nghề này chủ yếu mình bỏ công làm lời, chịu khó cắt ráp cho đẹp là thành những bộ quần áo mới”, bà Hoa kể.

Mỗi đợt bán, chị em thu được khoảng 180.000-250.000 đồng. Thu nhập như thế, với các thành viên cũng kha khá. Thấy hoạt động hiệu quả nên mới đây mỗi thành viên được hội cấp trên xét đề nghị cho vay 4 triệu đồng. Có vốn, chị em dùng vào xoay xở trong cuộc sống và mua thêm vải vụn tích lũy.

Bà Hoa nói thêm: “Vay ở ngoài 1 triệu đồng mỗi tháng phải đóng lãi 100.000 đồng, còn vay từ tổ chức hội tín chấp 4 triệu đồng mà mỗi tháng chỉ đóng lãi 40.000 đồng nên rất kinh tế. Tôi thấy tham gia vào nhóm phụ nữ rất có ích. Tụi tui khi liên kết lại có nhiều tiền, mua được lượng vải lớn nên ngợi hơn trong làm ăn. Mình cũng có dịp quảng cáo hiệu quả hoạt động của nhóm cho nhiều cán bộ hội ở xã, thành phố biết ủng hộ mua sản phẩm”.Hội viên phụ nữ ở ấp này còn tổ chức mô hình lồng ghép “5 không 3 sạch” gắn với không lãng phí điện. Chị em tâm sự, tiết kiệm tiền điện được thực chất do nhà không có người sử dụng, tuy nhiên ý thức về “tắt khi không sử dụng” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của từng người.

Tháng trước so với tháng này, chị Nguyễn Thị Huỳnh Nga tiết kiệm được 100.000 đồng, số tiền dư ấy được chị sử dụng vào hùn vốn với chị em. Với bà Lâm Thị Lượng, tham gia vào nhóm, so sánh tháng liền kề trước đó cũng giảm 100.000 đồng. Tính chung, 20 thành viên của mô hình mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Châu đánh giá thêm, 8 câu lạc bộ, nhóm phụ nữ ở ấp có 3 tổ chức trên hoạt động khá hiệu quả. Các chị không chỉ đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế mà còn rất hăng hái tham gia sinh hoạt, xem đây là chỗ chia sẻ tâm sự, là niềm vui, tạo tinh thần thoải mái trong cuộc sống.

Tổ chức được các mô hình, nhóm phụ nữ trên hiệu quả như thế, theo lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) thành phố, công lớn thuộc về chị Nguyễn Thị Mỹ Châu. Chị Châu có hoàn cảnh khá khó khăn; từng là Bí thư Xã đoàn, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vị Tân, vì gia cảnh nên chị xin nghỉ. Sau đó, thấy phong trào phụ nữ ấp 3 hoạt động yếu nên chị tổ chức các nhóm phụ nữ, các nhóm này một thời gian sau sinh hoạt rất hiệu quả. Từ đó, chị Châu được tín nhiệm bầu giữ chức vụ chi hội trưởng từ năm 2010 đến nay.

“Sự tích cực, nhiệt tình, hòa đồng, biết lắng nghe, chia sẻ với chị em của Mỹ Châu đã giúp hoạt động hội, phong trào phụ nữ ở ấp này không ngừng tiến bộ. Năm rồi, chị được UBND tỉnh tặng bằng khen vì thành tích tiêu biểu 5 năm liền trong hoạt động phong trào, thi đua của chi hội; chi hội ấp 3 nhiều năm được UBND thành phố hoặc Hội LHPNVN thành phố tặng giấy khen”, bà Nguyễn Thị Tiên, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN thành phố Vị Thanh, nói.

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>