Cho đi không mong nhận lại

31/03/2020 | 08:07 GMT+7

Với quan niệm “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”,  nhiều cá nhân, gia đình đã tích cực hiến máu tình nguyện, cứu sống nhiều người bệnh.

Ông Hà rất tích cực với phong trào hiến máu tình nguyện.

Nghỉ làm đi hiến máu

Là trường hợp của ông Phạm Kim Hà, ở khu vực 5, phường III, thành phố Vị Thanh. Mặc dù công việc hàng ngày vất vả, bộn bề với nỗi lo “cơm áo gạo tiền” nhưng gần chục năm qua, ông đã gắn bó với phong trào hiến máu cứu người. Ông Hà cho biết, đáng lý ra hôm nay ông đi làm hồ, nhưng nghe nói có buổi hiến máu nên nghỉ làm để đi hiến máu. Ông đi hiến máu không vì mục đích gì cả, cũng không đắn đo suy nghĩ, cứ nghĩ việc mình làm sẽ giúp được nhiều người là trong lòng thấy thoải mái, nên cứ tham gia.

Chia sẻ chuyện bén duyên với hoạt động hiến máu. Năm 2008, khi nghe địa phương tổ chức hiến máu tình nguyện, ông cũng đăng ký tham gia. Lúc đó, ông tự nhủ, người ta hiến máu được thì ông cũng sẽ làm được, có gì mà phải lo lắng, chỉ mong giọt máu của ông có thể kịp thời cứu được người cần truyền máu. Khi nhân viên y tế lấy máu, lần đầu nhìn những giọt máu chảy ra, ông cảm thấy thật vui, hạnh phúc. Ông Hà chia sẻ: “Người ta khá giả thì giúp tiền giúp của, mình nghèo thì giúp được gì thì giúp, miễn sao phù hợp với điều kiện của bản thân”.

Hoàn cảnh khó khăn, ngày ngày đi phụ hồ, bốc vác, hoặc ai thuê gì làm nấy, vợ cũng không có việc làm. Thế nhưng, hễ nghe thông tin hiến máu tình nguyện là ông lại sẵn sàng tình nguyện tham gia. Có người cho rằng ông không bình thường, lo chuyện thiên hạ, không lo đi làm kiếm tiền lo cuộc sống gia đình mà lại nghỉ làm đi hiến máu, nhưng với ông, hiến máu cứu người là hành động cao cả, nhân văn. Minh chứng cho điều đó, kể từ lần hiến máu đầu tiên, đến nay ông Hà đã 45 lần hiến máu. Ông Hà cho biết: “Nếu hôm nay mình không đi làm kiếm tiền, thì hôm khác có thể đi làm được, còn những người bị bệnh đang cần truyền máu, nếu không có máu kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Chỉ cần nghĩ đến đó tôi thấy việc mình làm là xứng đáng”. Với quan niệm ấy, ông Hà cho biết bản thân sẽ tiếp tục gắn bó cùng hoạt động ý nghĩa này đến khi nào sức khỏe không cho phép mới thôi…

Ngoài cá nhân tích cực tham gia hiến máu, nhiều gia đình cũng đồng hành với phong trào hiến máu tình nguyện, có gia đình hiến vài lần, nhưng cũng có gia đình hiến vài chục lần…

Vợ chồng ông Thành, bà Vĩ luôn sẵn sàng hiến máu tình nguyện.

Chuyện cần làm và nên làm

Khoảng 20 năm nay, mỗi khi Hội Chữ thập đỏ ở địa phương tổ chức đợt hiến máu tình nguyện là gia đình ông Nguyễn Văn Thành, ở ấp Mỹ 1, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tham gia hiến máu tình nguyện. Trong suốt thời gian từ ấy đến nay, hiến máu đã trở thành công việc quen thuộc của ông. Theo ông Thành, hiến máu không làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện nay, địa phương có nhiều người hiến máu nhiều lần như anh Hai Thơ 17 lần, em Kiên trên 10 lần… và bản thân ông đã hiến máu được 65 lần.

Ông Thành cho biết, trước đây phong trào hiến máu chưa được quan tâm như bây giờ, số lượng người tham gia hiến máu cũng ít, vì tâm lý lo sợ. Sợ hiến máu rồi sức khỏe yếu sẽ bị bệnh, không thể lao động được. Nhớ lại những lần đầu mới tham gia phong trào, ông Thành bộc bạch: “Lúc đó, tôi làm hội viên chữ thập đỏ, đi vận động người ta hiến máu, bản thân phải tiên phong, không tham gia thì rất khó coi. Sau lần hiến đầu tiên, tôi cảm thấy sức khỏe vẫn bình thường, tinh thần thoải mái, nên mạnh dạn tham gia những lần tiếp theo”.

Theo gương tốt của chồng, bà Trần Thị Vĩ cũng hiến máu được 17 lần. Chia sẻ với chúng tôi, bà Vĩ cho biết: “Lúc đầu, khi hiến máu tôi cũng sợ lắm, nhưng được chồng động viên, thấy anh ấy cho máu nhiều lần mà sức khỏe vẫn bình thường. Giờ tôi quen rồi, tới định kỳ là đăng ký hiến máu”.

Những năm qua, hễ nghe thông tin có người bệnh cần truyền máu là ông luôn sẵn sàng. Nhớ lại chuyện cách đây vài năm, ông Thành cho biết: “Tôi đi công chuyện ở thành phố Cần Thơ, đang ở bến xe chuẩn bị về, thấy cháu kia khóc, tôi hỏi thì cháu nói chị cháu sanh em bé mà bị băng huyết, bác sĩ kêu truyền máu gấp, mà giờ gia đình không có tiền để mua máu. Tôi ngay lập tức đến bệnh viện để hiến máu. Khi nghe bác sĩ cho hay bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tôi và gia đình mừng lắm”.

Với ông Thành, bà Vĩ, hiến máu như một thói quen của bản thân, điều mà ông bà cảm thấy vui là những năm gần đây, phong trào hiến máu tình nguyện ở địa phương ngày càng lan rộng, thu hút đông đảo mọi người tham gia. Với nghĩa cử cao đẹp, ông Thành, bà Vĩ đã được tôn vinh khen thưởng. Với ông bà đó là chuyện cần làm và nên làm…

Mỗi cá nhân, mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ là những bông hoa đẹp trong phong trào hiến máu tình nguyện. Việc làm của họ không chỉ góp phần cứu người, mà còn làm sáng lên giá trị “sống cần có một tấm lòng”…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>