Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

05/12/2018 | 08:35 GMT+7

Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, song vấn nạn này vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, cần chung tay hành động, góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh tốt đẹp.

Công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em luôn được quan tâm.

Những vụ việc đau lòng

Mỗi khi nhắc đến hành vi đồi bại của ông T.C.D., ở phường V, thành phố Vị Thanh, gây ra với em N.T.B.T., ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, mọi người ai nấy không khỏi căm phẫn. Được biết, ông D. với bà N. (bà ngoại của cháu) chung sống với nhau như vợ chồng đã mười mấy năm nay. Mỗi ngày, ông thường qua lại giữa nhà ông ở phường V và nhà bà N.

Sự việc được phát hiện vào tháng 8 âm lịch năm rồi, hôm ấy bà với ông D. đi chợ xin đầu cá về nấu cho heo ăn. Vì đi xin người này người kia, sợ ông D. chờ đợi lâu, nên bà N. nói ông về nhà ở phường V trước, khi nào bà xin đầu cá xong sẽ điện thoại cho ông lại rước về. Sau khi xin xong, bà N. gọi điện thoại nhiều lần mà ông D. không bắt máy, lúc này, bà đi xe Honda ôm về nhà. Về đến nhà, bà thấy chiếc xe máy đậu phía trước, cánh cửa mở he hé, trong nhà vang vọng tiếng la của B.T. Ngay lập tức bà đẩy cánh cửa bước vào nhà, thì thấy chuyện tày đình hiện ra trước mắt, ông D. đang sờ mó bộ phận nhạy cảm của B.T.

Được biết, cha mẹ B.T. ly hôn, do đó, em sống cùng bà N. từ nhỏ. Hoàn cảnh kinh tế bà N. cũng khó khăn, do đó, bà thường xuyên đi làm, ít dành thời gian để quan tâm, chăm lo cho em. Qua câu chuyện của B.T., có thể thấy gia đình chưa quan tâm nhiều đến em nên chưa giáo dục kỹ năng bảo vệ bản thân mình, từ đó, chưa biết cách chủ động phòng tránh những hành động xâm phạm đến thân thể của mình.

Đẩy mạnh công tác phòng ngừa

Công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Những năm qua, công tác này nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và đông đảo quần chúng nhân dân. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 19 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Tuy số vụ có giảm, nhưng tính chất vụ việc vẫn không kém phần nguy hiểm và diễn biến phức tạp. Vì vậy, cần có sự vào cuộc, hưởng ứng tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, các tổ chức, gia đình và toàn xã hội trong thực hiện công tác này, nhằm góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra.

Theo ngành chức năng, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp là do các đối tượng gây bạo lực, xâm hại bị xuống cấp về đạo đức, sống buông thả, xem thường pháp luật. Cha mẹ người thân thiếu quan tâm đầy đủ đến trẻ. Đồng thời, bản thân trẻ chưa được trang bị kiến thức về giới tính, kỹ năng phòng, chống xâm hại. Ngoài ra, việc xử lý nắm bắt các trường hợp xâm hại tình dục ở địa phương chưa đầy đủ, từ đó, một số đối tượng gây bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn chưa được xử lý theo quy định của pháp luật.

Để bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo lực, xâm hại, ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng, trước hết cha mẹ, gia đình và cộng đồng cần quan tâm đầy đủ đến trẻ em. Ngoài ra, trang bị kiến thức về giới tính, kỹ năng tự phòng ngừa, để các em nhận biết được đâu là môi trường an toàn, đâu là môi trường xấu, để các em tự mình biết cách phòng ngừa cho bản thân. Cơ quan chức năng phải tạo môi trường an toàn lành mạnh cho trẻ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho gia đình, cộng đồng, để có biện pháp phòng tránh. Khuyến khích, động viên mọi người nhận biết tố giác hành vi xâm hại trẻ. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại trẻ em. Từ đó, góp phần tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ.

Có thể thấy, để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại, trước hết cần tạo ra môi trường an toàn, bình đẳng. Khi bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, trẻ em không nên im lặng, hãy lên tiếng để có được sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>