Chuyển biến mạnh mẽ trong đồng bào dân tộc thiểu số

26/06/2019 | 07:51 GMT+7

Cầu, đường, trường, trạm khang trang; đời sống vật chất, tinh thần ngày càng tiến bộ; tích cực giúp đỡ lẫn nhau... là điều dễ nhận thấy khi nói về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố Vị Thanh.

Phòng thuốc nam và châm cứu thuộc Hội Quan Đế Miếu (người Hoa), phường V, thành phố Vị Thanh, là địa chỉ đáng tin cậy của nhiều người.

Hết lòng giúp nhau

Bị bệnh khớp nhiều năm và điều trị nhiều nơi nhưng không hết nên bà Tống Thị Sáng, ở xã Hỏa Tiến, đến phòng thuốc nam và châm cứu, thuộc Hội Quan Đế Miếu (người Hoa), phường V, thành phố Vị Thanh điều trị, được vài lần đã giảm.

Theo bà Sáng, đến đây ngoài không tốn tiền còn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của hội. Sau điều trị, về nhà bà đều nhận một số cuộc gọi hỏi thăm sức khỏe; có đợt đến quên mang tiền, sau khi châm cứu, hội hỗ trợ tiền xe cho bà về nhà.

“Hội Quan Đế Miếu giúp đỡ tận tình đến thế. Không chỉ tôi, những ai đến đây đều nhận được quan tâm, chia sẻ như vậy. Ở đây thực sự là cứu cánh của nhiều người khó khăn”, bà Sáng cho biết.

Theo ông Võ Văn Nễ, lương y phòng thuốc nam và châm cứu Hội Quan Đế Miếu, nhiều năm qua, trung bình đơn vị châm cứu từ 40-50 lượt người/ngày. Những bệnh thường gặp là tai biến, khớp, đau lưng… Đến đây, người bệnh không tốn phí châm cứu, hốt thuốc; nhiều trường hợp khó khăn, hội còn hỗ trợ lại. 5 năm qua, phòng thuốc nam và châm cứu này khám, điều trị cho khoảng 72.000 lượt bệnh nhân, trong đó khoảng 54.000 lượt châm cứu, tổng số tiền trên 140 triệu đồng.

Theo Ban Quản trị Hội Quan Đế Miếu, ngoài việc hốt thuốc, châm cứu, hội còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện như: Hàng năm, vào ngày Lễ Vu Lan, từ nguồn vận động mạnh thường quân, Ban Quản trị Quan Đế Miếu phát quà cho bà con khoảng 800 phần; mỗi năm, đơn vị tặng khoảng 12.500 quyển tập cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; tham gia chương trình Khát vọng sống, Cảm thông chia sẻ…

Ông Trịnh Trung Thành, Phó Hội trưởng Hội Quan Đế Miếu, cho biết: “Những việc làm của hội xuất phát từ tinh thần tương thân tương ái, muốn bà con có cuộc sống ấm no. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm từ thiện nhằm san sẻ, giúp đỡ những trường hợp khó khăn, bất hạnh”.

Theo Phòng Dân tộc thành phố Vị Thanh, thời gian qua, việc chăm lo, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn khá hiệu quả. Ngoài làm từ thiện, đồng bào còn giúp đỡ cây, con giống, ngày công lao động… trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhiều người còn tham gia giặm vá cầu, đường, hiến đất xây trường… góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giao thương thuận lợi. 

Đẩy mạnh giảm nghèo

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, nhận định, công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 5 năm qua chuyển biến tích cực với nhiều chính sách phù hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất của đồng bào.

Hộ chị Lâm Thị Hạnh, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, có 3 công ruộng nhưng trũng, năng suất thấp. Để cải thiện thu nhập, vợ chồng chị đi làm thuê, song ngày làm hai ba ngày nghỉ nên cuộc sống khó khăn. Mấy năm trước, gia đình chị đã cố số đất trên.

Thực hiện Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ trong hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ chị được hỗ trợ 50 triệu đồng chuộc đất. Có đất, gia đình chị cải tạo trồng bắp và hoa màu, từ đó, thu nhập cải thiện nên thoát nghèo.

Dự kiến, cuối năm nay, gia đình chị sẽ cất nhà trị giá trên 100 triệu đồng. Chị Hạnh cho biết: “Cũng nhờ Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nên tôi mới chuộc lại được đất. Tôi sẽ cố gắng làm ăn để khá lên, không tái nghèo”.

Từ năm 2014 đến nay, thực hiện các chương trình, dự án của Chính phủ dành cho đồng bào dân tộc như: Quyết định số 54, Quyết định số 102, Quyết định số 12, Quyết định số 2085… thành phố Vị Thanh thụ hưởng gần 15 tỉ đồng. Qua đó, giúp thành phố hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển vùng dân tộc thiểu số nói riêng.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn gặp những hạn chế nhất định như: đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn; một số mô hình kinh tế xóa đói giảm nghèo còn thiếu tính bền vững; có hộ vẫn ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước…

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: “Thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc; huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững”.        

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>