Chuyện kể về những chú chó ở Trường Sa

21/02/2018 | 08:26 GMT+7

Nhiều bộ đội trên đảo từng khẳng định: “Chó là bạn, là loài vật rất trung thành, không bao giờ rời bỏ chủ”. Có lẽ vì những đặc điểm trên mà chúng được các anh lính ngoài đảo Trường Sa dành cho tình thương đặc biệt.

Những chú chó được đem từ đất liền ra để giúp canh giữ đảo.

Bầu bạn cùng lính

Ở Trường Sa, chó được xem là bạn, là thú cưng của các anh lính. Trong chuyến công tác đặc biệt đầu năm Mậu Tuất 2018, các anh đã chia sẻ với tôi chuyện về những chú chó tinh khôn trên đảo. Phải nói ở các điểm đảo chìm, số lượng chó khá đông. Dù điều kiện ngoài đảo không như trong đất liền, nhưng không vì thế mà những chú chó gầy đi. Trái lại, con nào cũng mũm mĩm, tròn vo nhờ được bộ đội cưng và chăm khéo.

Trước khi đến Trường Sa, tôi có nghe về chuyện nuôi chó trên đảo. Lúc đó tôi nghĩ bụng chắc chúng hung dữ và khó gần lắm. Nhưng khi tiếp xúc mới thấy chúng thân thiện và rất đáng yêu biết chừng nào. Hôm đoàn đến điểm B đảo Đá Đông công tác, từ xa mười mấy chú chó đứng sủa báo hiệu người lạ. Tác nghiệp xong, tôi tranh thủ bắt chuyện với các anh lính đảo để xem “độ dữ dằn” của những con chó nuôi trên đảo đến cỡ nào. Một anh phì cười đáp tỉnh queo: “Bọn nó hiền khô, dễ làm quen lắm”. Vốn bản tính yêu chó, tôi được “chủ nhà” giúp làm quen với một chú Đốm khá to. Ban đầu chú này còn rụt rè đề phòng, nhưng khi tôi đặt nhẹ bàn tay lên vuốt lưng, Đốm như cảm nhận được sự an toàn rồi im re. Được chừng 2 phút, Đốm chuyển sang khoái chí ngoan ngoãn ngồi kế bên gối đầu lên chân tôi. Vài con khác ganh tị với Đốm kéo lại hóng, con nào cũng béo tròn, lông mềm mịn, đáng yêu.

Chiến sĩ Nguyễn Thanh Tú, vừa hoàn thành nhiệm vụ sau một năm công tác ở điểm B, đảo Đá Đông, chia sẻ: “Trước giờ rời đảo trở về đất liền tôi phải nhốt chúng lại vì sợ chúng nhảy xuống biển bơi theo. Những con chó được đem từ đất liền ra đây để giúp canh giữ đảo. Chó giống thì để sinh nở tạo ra thế hệ con và tiếp tục được nuôi dưỡng. Cứ thế tiếp nối, các anh trên đảo đều yêu quý chúng. Cưng lắm, lúc rảnh rỗi tôi thường mang chúng ra tắm cho sạch…”.

Các anh bộ đội tâm sự rằng: Dù số lượng đông nhưng mỗi con chó trên các đảo đều có tên riêng. Tên gọi của chúng được đặt ngẫu hứng. Thông thường, bộ đội sẽ dựa vào đặc điểm màu lông, kích cỡ để gọi tên cho chúng như: Xám, Trắng, Đốm, Nâu, Mực, Phèn, Mỡ… Nhờ giác quan nhạy bén, tinh khôn, chúng trở thành “trợ thủ” của lính đảo trong những giờ canh gác, nhất là vào ban đêm.

Chuyện về Lu

Với nhiều bộ đội, chuyện về những chú chó giữ đảo là cả quãng thời gian gắn bó với biết bao tình cảm, biết bao kỷ niệm. Như câu chuyện xúc động mà đại úy Nguyễn Minh Quý đã kể về “tri kỷ” của mình sau đây:

Tháng 12-2016, tôi theo tàu ra đảo Trường Sa Đông. Quá trình sống, học tập và công tác ở đảo anh em rất đoàn kết, gần gũi. Luôn luôn bên tôi trong những lần đi tuần tra, những đêm canh gác giữa đêm trường sóng vỗ là một chú chó tinh khôn có tên gọi Lu…

Chuyện bắt đầu từ buổi đầu tiên tôi đặt chân xuống đảo Trường Sa Đông. Không hiểu sao tôi lại thấy đặc biệt quý mến chú chó này trong rất nhiều chú chó trên đảo. Ban đầu, Lu rất khó tiếp xúc, anh em trên đảo bảo Lu “kén bạn”, không cho người lạ lại gần. Sau một tuần cố gắng làm quen, Lu mới cho tôi đến gần.

Đến ngày thứ 8, hôm đó tôi đi gác ca đêm, Lu bắt đầu bẽn lẽn chạy theo sau chân. Lu tinh lắm! hay sủa khi nhìn thấy bất cứ ánh đèn hay có những hiện tượng gì đó khác lạ trong khu vực gác. Hết ca, tôi cũng rủ Lu về. Những ngày sau đó, chúng tôi thân nhau như hai người bạn, đi đâu làm gì cũng đi cùng. Lúc rảnh rỗi, tôi thường ngồi vuốt lưng, chăm sóc, pha sữa cho Lu uống, gầm giường tôi là chỗ Lu thích nhất. 1, 2 hay 3 giờ sáng, bất cứ khi nào tôi đi gác là Lu sát cánh.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông, tôi và Lu là tri kỷ. Giữa chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm tuyệt vời. Tôi không thể nào quên được ngày 15-5- 2017, hôm đó thời tiết nắng nóng, biển rất êm và đẹp. Được phép của chỉ huy đảo, cụm chiến đấu tổ chức đánh lưới bắt cá, Lu cũng ra cùng. Chúng tôi đuổi một mẻ, kiếm được hơn chục ký cá. Lúc đó anh em loay hoay đang đánh bắt không ai để ý. Khi mọi người kéo cá về, Lu bì bõm theo sau. Tôi giật mình ngoái lại thì thấy miệng Lu ngậm một con cá to tầm 1,2kg. Nó cắn rất khôn, loại cá đó giãy rất mạnh nên khi bắt được anh em hay dùng tay bóp vào mắt để nó không bơi được. Lu cũng bắt chước cắn đúng vào 2 tròng mắt con cá rồi tha vào bờ. Lu không ăn mà mang đến cho tôi con cá tươi còn giãy đành đạch.

Vài tháng trước, Lu chuyển dạ sinh con. Lu có nết lắm! Còn nhớ trước hôm sinh, Lu chịu khó đào một cái hố thật sâu rồi chui xuống dưới nằm im re đợi lúc “khai hoa nở nhụy”. Chỉ sau vài giờ, Lu đã trở thành bà mẹ của tận 10 đứa con bụ bẫm. Lần đầu tiên nhìn thấy bọn chúng, tôi bật cười thú vị bởi các con của Lu thì xám, vàng, bông, đen, sữa... 10 con không giống nhau tí nào. Phải khen Lu chăm con khéo thật, ngày mưa chẳng bao giờ để con bị ướt. Con nào lớn lên cũng dễ thương, béo tròn, khỏe mạnh cùi cụi.

Thấm thoát một năm công tác tại đảo Trường Sa Đông của tôi gần kết thúc. Tôi âm thầm gửi gắm Lu cho đại úy Nguyễn Việt Trung, một đồng đội rất yêu thương những chú chó trên đảo. Tôi nói với anh Trung về những thói quen của Lu, tính ăn nết ở, cách chăm sóc từng đứa con của Lu, đứa hay cào bới đất, đứa hay mè nheo với mẹ, rồi cả cái ổ của bọn nó phải khô ráo nữa… Đồng chí Trung bảo với tôi: “Anh cứ yên tâm về đất liền, em sẽ chăm Lu chu đáo. Nếu về trong đó mà nhớ Lu quá thì em sẽ tìm chuyến tàu gần nhất để gửi Lu vào đất liền cho anh chăm sóc”. Dù nói vậy, nhưng tôi biết rằng đồng chí Trung sẽ chăm Lu không thua kém tôi. Hơn nữa, tôi biết Lu cần ở lại với đàn con, mà trên hết là Lu rất tinh khôn, rất nhạy bén khi canh gác ở đảo.

Khoảng một tuần trước khi tôi đi, Lu có biểu hiện rất lạ! Lu cứ nhìn tôi buồn rười rượi như có điều muốn nói. Mấy hôm đó Lu ăn ít, cứ quấn lấy tôi không rời phút giây nào. Các anh em trên đảo cũng cảm nhận được biểu hiện lạ của Lu. Phút rời đảo Trường Sa Đông cũng đến. Tôi nhờ đồng đội nhốt Lu lại khi tàu đi hãy thả ra. Trong đời, chỉ duy nhất lúc đó tôi không muốn thấy Lu. Tôi biết chắc chắn nếu Lu tiễn tôi, tôi nhất định sẽ khóc và xin ôm Lu theo vào đất liền. Nhưng đảo mới là nhà của Lu. Lu cần ở lại để dùng giác quan nhạy bén của mình cùng đồng đội tôi canh gác trong những đêm trường sóng vỗ.

“Tôi xem nhiều thước phim về những chú chó kéo tuyết, chó giữ nhà, đặc biệt có những chú chó thông minh cứu được chủ nhân của mình. Đã là người lính hải quân, cuộc sống anh em chúng tôi gắn bó với biển đảo rất nhiều. Tôi nghĩ là mình sẽ còn quay lại đảo Trường Sa Đông nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung rất nhiều lần nữa. Nhưng để theo được đúng ý muốn của mình mà quay lại trong thời gian gần nhất, quay lại đảo Trường Sa Đông để gặp lại đồng chí, đồng đội đang thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là chó Lu thì rất khó. Nhưng dù ở bất cứ nơi đâu, tôi vẫn thường xuyên thăm hỏi những đồng đội thân yêu của mình và cả Lu, “bạn đặc biệt” mà suốt đời này tôi khó quên được!”

Đó là một câu chuyện dài được đại úy Nguyễn Minh Quý, ở đảo Trường Sa Đông kể lại trong bùi ngùi xúc động. Anh nói sự gặp gỡ của mình và Lu là một “mối duyên kỳ lạ”. Dù hiện nay không còn công tác ở đảo Trường Sa Đông, nhưng anh Quý vẫn hay gọi điện hỏi thăm những đồng đội của mình và không quên hỏi thăm chó Lu “tri kỷ” cùng 10 con xinh xắn…

KỲ ANH ghi chép

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>