Cơ sở nâng cao hiệu quả đào tạo nghề

06/06/2019 | 08:23 GMT+7

Tự làm thiết bị dạy nghề là cách trường nghề bổ sung trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề.

Sản phẩm tự làm thiết bị đào tạo có tính ứng dụng cao.

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức vừa qua, các tác giả, nhóm tác giả đến từ 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã mang đến 16 thiết bị dự thi. Theo đánh giá của Ban tổ chức, những thiết bị dự thi năm nay, có tính kỹ thuật và ứng dụng cao. Góp phần rất lớn vào việc tăng cường thiết bị, mô hình phục vụ công tác giảng dạy tại các cơ sở GDNN, đặc biệt, đã nâng cao tính chuyên nghiệp, sáng tạo cho các giáo viên. Hầu hết các thiết bị dự thi đều sử dụng vật liệu thông dụng, nhiều thiết bị có kết cấu, hình thức đẹp.

Mô hình, thiết bị dạy nghề được bổ sung là cơ sở để thu hút học viên vào các trường nghề. Trước thực trạng nghề thú y của trường những năm gần đây, được rất nhiều học sinh lựa chọn, nhưng chưa bố trí được khu thực nghiệm riêng. Cán bộ, giáo viên của Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ, đã tạo ra mô hình trại heo thông minh, với 17 thành viên tham gia. Thầy Nguyễn Quốc Trung, một trong những thành viên sáng tạo mô hình, cho biết: “Mô hình khi đưa vào thực tế, sẽ giúp học viên được trang bị rất nhiều kỹ năng như: trực tiếp quan sát kết cấu của chuồng trại, cách bố trí trang thiết bị mang tính trực quan... Mô hình được trang bị nhiều công nghệ hiện đại mang tính tự động hóa cao, phù hợp với cuộc cách mạng 4.0 hiện nay. Góp phần tối ưu hóa năng suất lao động của người chăn nuôi, tiến tới chăn nuôi heo sạch theo hướng an toàn sinh học”. Mô hình trại heo thông minh, được thiết kế với các vật dụng gồm: gỗ, nhôm, xi măng siêu nhẹ... Mô hình này, được ứng dụng để giảng dạy nghề thú y ở hệ sơ cấp và trung cấp.

Cũng góp phần tích cực giúp sinh viên thành thạo kỹ năng điều dưỡng, cô Nguyễn Thị Ngọc Thanh, giáo viên khoa Y - Dược, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, đã tìm tòi mô hình cánh tay từ nguyên liệu rẻ tiền, dễ làm. Cô Thanh tâm sự: “Có mô hình này, sinh viên có thể thực hành một số kỹ năng như: tiêm tĩnh mạch, truyền dịch, truyền máu, lấy máu tĩnh mạch xét nghiệm... tiện lợi hơn, bởi mô hình rất giống một cánh tay thật. Với mô hình này, không chỉ phục vụ giảng dạy, mà còn giúp sinh viên có thể dễ dàng thực tập tại nhà”.

Những năm qua, một số cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng phát huy phong trào sáng kiến, cải tiến và tự làm thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề. Thầy Lê Vũ Bảo, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo thường xuyên thị xã Long Mỹ, nói: “Việc tự làm thiết bị đào tạo được ứng dụng trong giảng dạy, giúp người học tiếp cận kiến thức, kỹ năng tay nghề nhanh chóng và hiệu quả hơn so với việc dạy chay, nặng lý thuyết hơn thực hành. Trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, việc sáng chế thiết bị đào tạo cũng là yếu tố góp phần không nhỏ cho sự thành công của các cơ sở đào tạo”.

Tự làm thiết bị đào tạo đã và đang thực sự trở thành cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng GDNN. Đây là một phần không thể thiếu trong các cơ sở GDNN và việc phát động phong trào nghiên cứu, sáng chế các thiết bị đào tạo tự làm phù hợp với yêu cầu phát triển của GDNN trong quá trình hiện nay.

 Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích