Còn nhiều khó khăn để phát triển nghề công tác xã hội

28/03/2019 | 07:56 GMT+7

Sau thời gian triển khai, Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, đã tạo điều kiện thuận lợi giúp cá nhân, gia đình và các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội được tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay để phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) tại tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thời gian qua, hoạt động CTXH ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã góp phần hỗ trợ thiết thực cho nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh.

Có mặt tại Trung tâm CTXH tỉnh, chúng tôi mới cảm nhận hết được sự vất vả của từng cán bộ, nhân viên đang chăm sóc, nuôi dưỡng cho người khuyết tật thần kinh, tâm thần và người lang thang đang nương tựa tại đây. Công việc hàng ngày của họ là chăm sóc bữa ăn, giúp những người khuyết tật thần kinh, tâm thần điều trị bệnh để sớm trở về gia đình hòa nhập cộng đồng. Ông Lê Văn Cao, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: “Thời gian qua, trung tâm đã tư vấn, nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật thần kinh, tâm thần, người rối nhiễu tâm trí đặc biệt nặng, người lang thang… qua đây, từng bước đã giúp mọi người ổn định được tâm lý. Tuy nhiên, thực tế cán bộ, nhân viên làm nghề CTXH tại trung tâm còn nhiều khó khăn và vất vả. Đặc biệt, do trình độ chuyên môn còn hạn chế, nên công tác khám chữa bệnh và đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chưa đạt hiệu quả cao”. Hiện tại, trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 193 bệnh nhân, trong đó, có 188 người khuyết tật thần kinh, tâm thần và 5 người lang thang. Trong năm, trung tâm đã đưa 24 bệnh nhân về với gia đình tái hòa nhập cộng đồng.

Cũng tập trung phát triển nghề CTXH để hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh và các nhân viên y tế trong bệnh viện, nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh. Thời gian qua, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập được một phòng CTXH, riêng các bệnh viện còn lại và trung tâm y tế ở huyện, thị, thành phố cũng thành lập được các tổ CTXH… Bà Nguyễn Thị Minh Duyên, Trưởng phòng CTXH, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bộc bạch: “Qua gần 4 năm thực hiện nhiệm vụ, hoạt động CTXH tại bệnh viện đã góp phần không nhỏ cho việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hiện chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế như: nhân viên làm CTXH chưa qua đào tạo hay tập huấn chuyên ngành về CTXH; Nguồn kinh phí hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo chủ yếu dựa vào xã hội hóa là chính, nên rất hạn chế và thiếu kịp thời…”.

Tính đến nay, hoạt động CTXH trong ngành y tế đã hỗ trợ kịp thời cho hơn 1.000 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, khó khăn, vô gia cư, không có người thân chăm sóc… với tổng kinh phí tiếp nhận và hỗ trợ cho bệnh nhân hơn 5 tỉ đồng. Song song đó, Phòng CTXH, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn là cầu nối cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc hỗ trợ, giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo trong bệnh viện và ngoài cộng đồng.

Gặp không ít khó khăn trong việc phát triển nghề CTXH trong trường học, bà Lê Hồng Đào, Trưởng phòng Pháp chế - Chính trị và Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, nói: “Thông thường, trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học, chúng tôi cũng chỉ đạo tuyên truyền phát triển nghề CTXH từ các trường mầm non, mẫu giáo đến THPT và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động CTXH tại các trường vẫn gặp không ít khó khăn, vì cán bộ phụ trách chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm, chưa được tập huấn, đào tạo, không có nhiều kỹ năng để xử lý các tình huống. Đến nay, dù hoạt động CTXH đã được triển khai nhưng rất mờ nhạt, vì vẫn chưa được nhiều phụ huynh quan tâm, giáo viên kiêm nhiệm không có nhiều thời gian để thực hiện các nhiệm vụ”.

Cùng làm nghề CTXH, nhưng đối với đội ngũ cộng tác viên CTXH ở các xã, phường, thị trấn những người có vai trò rất quan trọng trong quá trình hỗ trợ giúp đỡ người cai nghiện, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng… thì khó khăn còn rất nhiều. Ông Vũ Mạnh Thắng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, cho biết: “Do đội ngũ nhân viên CTXH chủ yếu là người của các tổ chức, đoàn thể kiêm nhiệm hoặc người dân tự nguyện. Thực tế, người làm CTXH đòi hỏi phải có rất nhiều kỹ năng, vì những đối tượng của lĩnh vực này rất phức tạp, thường rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, thường có hành vi lệch chuẩn nhất là người nghiện ma túy, người mại dâm. Chính vì vậy, ngoài kiến thức, nhân viên CTXH cần được đào tạo nhiều về kỹ năng khi tiếp cận, tư vấn, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ… để có thể nắm bắt về tâm lý từng đối tượng khi họ tiếp xúc nhằm có hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có nơi đào tạo nghề CTXH”. Thời gian qua, đội CTXH phòng, chống tệ nạn xã hội ở các địa phương đã tuyên truyền, tư vấn vận động cai nghiện, phòng chống mại dâm, mua bán người được 275 cuộc có 4.162 lượt người dự. Bên cạnh đó, đã vận động cai nghiện tại trung tâm 107 người, cai tự nguyện tại trung tâm 14 người, quản lý sau cai nghiện 11 người, điều trị thay thế methadon 52 người.

Có thể nói, việc cung cấp các dịch vụ CTXH kịp thời đang rất cần thiết để phòng ngừa, chăm sóc và hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương, phục hồi và chăm sóc tâm lý xã hội đối với người lạm dụng chất ma túy, người hành nghề mại dâm, người nhiễm HIV, người vô gia cư, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán, bạo lực và lạm dụng, người vi phạm pháp luật… Qua đây, sẽ góp phần thiết thực giúp cho những người yếu thế được trợ giúp, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng có cuộc sống ổn định và trở thành người công dân tốt trong xã hội.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>