Công phu và khó như nghề đúc tượng

13/09/2017 | 09:44 GMT+7

“Gần chục năm gắn bó với nghề nên tôi biết, để làm giàu bằng nghề này thì không được, nhưng cũng có thể nuôi vợ con sống qua ngày”, ông Trần Quốc Toản, người có gần chục năm gắn bó với nghề đúc tượng ở thị xã Ngã Bảy, chia sẻ.

Người chà nhám, người tô màu, người khắc họa tiết… mỗi người mỗi việc, ai cũng luôn chân luôn tay, không khí làm việc sôi nổi, nhộn nhịp, là những hình ảnh bắt gặp ở cơ sở điêu khắc Thành Long, nằm dọc theo Quốc lộ 1A, đoạn qua ấp Xẻo Vông C, thị xã Ngã Bảy. Có dịp đi ngang cơ sở này, không khó để có thể nhìn thấy những bức tượng phật, những bức phù điêu đã hoàn thành được bày dọc hai bên đường, với đủ loại hình dáng và kích thước khác nhau, rất bắt mắt.

Những bức tượng tại cơ sở điêu khắc Thành Long (thị xã Ngã Bảy)

Tranh thủ ánh nắng buổi trưa để tô tượng, ông Trần Quốc Toản, thợ chính tại cơ sở điêu khắc ở đây, bộc bạch: “Tượng ở đây được làm theo đơn đặt hàng của khách ở xa là nhiều hoặc làm cho các đền, chùa của các tỉnh bạn như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… Muốn cho ra một bức tượng hoàn chỉnh phải qua rất nhiều công đoạn. Tùy theo kích thước sẽ có các mẫu khuôn khác nhau”.

Để cho ra một sản phẩm, trước tiên người thợ phải chia tỷ lệ để bẻ sắt cho đúng kích thước sản phẩm như mong muốn. Tiếp đến, sẽ lên cốt là đắp phần hồ thô lên từng chi tiết, đến đây sản phẩm được xem như khá hoàn chỉnh. Khâu cuối cùng là chà nhám và sơn màu hoặc sơn giả đồng. Theo những người thợ gắn bó với nghề đúc tượng, khâu quan trọng nhất của nghề là lúc lên cốt.

Đa phần tượng nơi đây chủ yếu là tượng phật, tượng thánh thần, các tượng hình rồng, hoa sen… tùy theo kích thước mà các bức tượng có thể được bán với giá từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng. “Do tượng được đúc bằng xi măng, nên thường trọng lượng rất nặng. Vì vậy, với tượng có kích thước nhỏ, chúng tôi có thể làm ở tại cơ sở rồi vận chuyển đến nơi để giao cho khách. Còn với những bức tượng có kích thước khá lớn, thì chúng tôi sẽ đến tận nơi để đắp cho khách luôn”, ông Toản chia sẻ thêm.

Nếu ở các ngành nghề khác, đòi hỏi người thợ phải hết sức công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn để cho ra được sản phẩm, thì nghề đúc tượng này lại đòi hỏi cao hơn. Để tạc được một bức tượng hoàn chỉnh, thì từ khuôn mặt của bức tượng người thợ phải tạo ra được cái hồn cho sản phẩm. Đây được xem là yếu tố quyết định sự thành công của người thợ. Ông Tuấn, chủ cơ sở điêu khắc nhỏ ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Để thu hút khách thường đối với các bức tượng mẫu tôi đầu tư rất nhiều. Vì thông qua hàng mẫu, khách hàng có thể biết được tay nghề của người thợ. Nghề này thấy vậy chứ không có năng khiếu thì có học cũng khó mà làm được. Ngoài siêng năng ra thì cũng cần có niềm đam mê, yêu thích với nghề nữa mới được”.

Trung bình một bức tượng được làm khoảng 10 ngày là hoàn chỉnh. Hiện nay, tượng các loại không chỉ có mặt ở các đền chùa, mà các bức tượng mẹ Quan Âm, tượng phật Di Lạc cũng được nhiều gia đình lựa chọn để đặt ở nhà. Ngoài làm các tượng phật, tại các cơ sở điêu khắc còn nhận đúc tượng theo yêu cầu hình mẫu của khách hàng.

Nghề đúc tượng không có mấy người chọn, nhiều thợ chính chia sẻ đôi khi phải có cái duyên, nhất là đúc tượng phật, điều quan trọng là phải toát lên được thần thái. So với thợ xây dựng, nghề đúc tượng cũng cực nhọc không kém, đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ và chính niềm đam mê, yêu nghề, khéo léo đã giúp những người thợ trụ được với nghề này.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>