Để người lao động an tâm học nghề

20/11/2018 | 08:03 GMT+7

Mời gọi doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất tại địa phương, hay đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động sau học nghề là cách làm được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vị Thủy thực hiện thời gian qua.

Người dân phấn khởi vì được học nghề gắn với giải quyết việc làm.

Trò chuyện cùng một vài chị em ở xóm, chị Kim Thị Thúy, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, kể về chuyện mình được học nghề, rồi có việc làm ổn định. Chị Thúy chia sẻ, trước đây tôi cũng có đi may, nhưng thu nhập bấp bênh, rồi thấy địa phương thông báo tuyển dụng nghề may, tôi đã đăng ký học nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện. Nhờ có sẵn tay nghề, cộng thêm cố gắng làm, tháng vừa qua tôi cũng lãnh trên 4 triệu đồng. Nhờ có khoản thu nhập này, cũng góp phần chia sẻ gánh nặng kinh tế gia đình với chồng. “Được làm gần nhà, lại có thu nhập ổn định, tôi sẽ cố gắng làm công việc này, để kinh tế gia đình được ổn định”, chị Thúy bộc bạch.

Còn chị Nguyễn Thị Liễu, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cũng vui mừng vì tìm được việc làm. Hiện nay, chị Liễu làm công đoạn cắt chỉ, ủi tại xưởng may của Công ty TNHH May mặc Thượng Phong (Thành phố Hồ Chí Minh), đặt tại thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, thu nhập mỗi tháng từ 2,5-3 triệu đồng. Theo chị Liễu, do lớn tuổi, không khéo tay nên chị chọn công việc này, dẫu thu nhập thấp hơn so với các anh chị ngồi may, nhưng chị thấy công việc này phù hợp với bản thân.

So với thành thị khoản thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng không nhiều, nhưng ở vùng nông thôn đây là khoản thu nhập khá, giúp mọi người trang trải cuộc sống hàng ngày. Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã mở 19 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, có 11 lớp phi nông nghiệp và 8 lớp nông nghiệp. Theo ông Lý Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vị Thủy, với những nghề nông nghiệp, học viên sau học nghề đã áp dụng vào mảnh vườn, thửa ruộng của gia đình, còn nghề phi nông nghiệp, trung tâm đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ.

Việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp sẽ giúp người lao động an tâm học nghề. Đặc biệt, sau khi đào tạo người lao động sẽ có trình độ, tay nghề vững vàng, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, không những giúp người lao động có được việc làm ổn định, từng bước gia tăng thu nhập gia đình, mà còn góp phần không nhỏ vào thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. “Thời gian qua, chúng tôi đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về dạy nghề đến với người dân, đồng thời phối hợp với các công ty, xí nghiệp mở các lớp dạy nghề. Cách làm này vừa tiết kiệm được kinh phí, vừa thu hút được người lao động tham gia học nghề”, ông Tâm bộc bạch.

Để giải quyết việc làm cho người lao động, ngay từ đầu năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn rà soát thị trường lao động, cập nhật thông tin việc làm ở các doanh nghiệp. Ông Cao Thành Nhượng, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, cho rằng: “Việc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, đồng thời, góp phần tạo việc làm cho người lao động. Thời gian tới, địa phương tiếp tục khảo sát nhu cầu thị trường trước khi mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, tiếp tục liên kết với các công ty, doanh nghiệp để dạy nghề theo yêu cầu, theo đơn đặt hàng, hướng đến đào tạo nghề chất lượng cao. Trên cơ sở đó, không những giúp người dân sống được với nghề đã học, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững...”.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>