Đỡ đần gia đình chính sách

29/11/2018 | 07:58 GMT+7

Quan tâm, chăm lo và tạo điều kiện giúp gia đình chính sách ổn định cuộc sống là việc làm đậm tính nhân văn, khơi nguồn tri ân được tỉnh thực hiện tốt nhiều năm qua...

Ông Lực hy vọng với mô hình chăn nuôi sẽ giúp kinh tế gia đình phát triển.

Đến thăm gia đình thương binh Trần Văn Lực, ở ấp 2, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy vào buổi chiều, lúc này ông đi cắt cỏ vừa về đến. Lau vội giọt mồ hôi trên trán, ông vui vẻ nói: “Còn khoảng 1 tháng nữa thì bò sinh sản rồi, gia đình tôi hy vọng vào mô hình làm ăn này lắm”.

Ông Lực là thương binh 2/4, mặc dù sức khỏe suy giảm, nhưng ông luôn cố gắng lao động sản xuất, để kinh tế gia đình phát triển. Ông Lực kể, trở về sau những năm tháng chiến tranh, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Vợ chồng ông phải làm thuê, làm mướn, giăng lưới, cắm câu, lo cơm gạo hàng ngày. Nhờ chí thú làm ăn, biết tiết kiệm, dè sẻn trong chi tiêu, dần dà cuộc sống dễ thở hơn. Năm 2017, ông vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cộng thêm vốn tự có đã mua 2 con bò về nuôi. Hiện bò sắp sinh sản, ông hy vọng kinh tế gia đình phát triển nhờ mô hình này. “Nhờ có nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nên gia đình tôi mới có điều kiện thực hiện mô hình chăn nuôi. Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ cố gắng phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn vốn để mở rộng thêm mô hình trồng trọt và chăn nuôi...”, ông Lực chia sẻ.

Ngoài tạo điều kiện để gia đình chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, để đầu tư vào mô hình sản xuất, kinh doanh, các địa phương trong tỉnh còn thực hiện các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn như hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, miễn, giảm học phí cho con em người có công, chăm lo về y tế cho gia đình chính sách… Từ đó, khơi dậy tình đoàn kết, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau của các gia đình chính sách, đồng thời, giáo dục về công lao giữ nước cho các thế hệ kế thừa.

Năm 2018 này, gia đình bà Trần Thị Nở, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cũng được hỗ trợ căn nhà tình nghĩa. Ngày được chính quyền địa phương đến bàn giao căn nhà tình nghĩa, bà Nở xúc động không nói nên lời, bởi giờ đây gia đình bà đã có mái ấm vững chãi. Căn nhà này, không chỉ giúp gia đình có mái ấm an cư mà quan trọng là nơi thờ cúng liệt sĩ được trang nghiêm, không sợ bị dột nước mỗi khi trời mưa gió.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh luôn xem việc chăm sóc người có công và người thân của họ là việc thường ngày, là đạo lý phải làm. Sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương chính là niềm động viên, chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp người có công và người thân của họ có thêm niềm tin vào cuộc sống. Cũng từ đó, nhiều gia đình thương binh, bệnh binh đã nêu cao ý chí tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, giáo dục con cháu, người thân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần cùng chính quyền xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Những năm qua, huyện luôn chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa nhằm tri ân thế hệ cha anh đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Các phong trào chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội hưởng ứng tích cực, nhờ đó, góp phần cải thiện đời sống của gia đình chính sách, người có công với cách mạng”.

Có thể thấy, chính sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, địa phương đã góp phần làm cho đời sống người có công với cách mạng được nâng lên đáng kể. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt những hoạt động chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Những việc làm thiết thực ấy không chỉ có ý nghĩa về mặt đạo lý mà còn góp phần tạo động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>