Đồng bằng sông Cửu Long: Lo tỷ lệ bảo hiểm đạt thấp

12/10/2017 | 08:20 GMT+7

Chỉ số tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Vì vậy, cần có giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT, BHXH tự nguyện ở ĐBSCL.

Khoảng 4 triệu người chưa tham gia bảo hiểm y tế

Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31-8, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL là 21.794 người, tăng 2% so với năm 2016. Còn số người tham gia BHYT là gần 14,3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 79,9% so với dân số vùng. Trong đó, có 7 tỉnh hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT gồm: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long An, Kiên Giang và Tiền Giang.

Tham gia BHYT sẽ giúp người dân chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Như vậy, còn đến 6 tỉnh, thành chưa hoàn thành. Tỉnh Hậu Giang được giao tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2017 là 77,8%. Tính đến ngày 30-9, Hậu Giang có 592.463 người tham gia BHYT, chiếm 76,56% dân số, đạt 97,25% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao. 5 địa phương còn lại trong vùng ĐBSCL đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 69,7-76,36%. Cụ thể, thành phố Cần Thơ có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 76,36%, tỉnh Cà Mau đạt 77,1%, tỉnh An Giang đạt 69,7%, tỉnh Đồng Tháp đạt 71,53% và tỉnh Vĩnh Long đạt 74,57%.

Dân số của vùng ĐBSCL gần 18 triệu người và vẫn còn khoảng 4 triệu người chưa tham gia BHYT và hầu hết nông dân chưa tham gia BHXH tự nguyện. Theo bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, mặc dù trong thời gian qua, công tác phối hợp và tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT đã được Hội Nông dân Việt Nam và BHXH Việt Nam tăng cường kể cả chiều rộng lẫn chiều sâu, với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, đa số nông dân, nhất là nông dân vùng sâu, vùng xa vẫn chưa được tuyên truyền. Chính từ vấn đề sự hiểu biết các chính sách về BHXH tự nguyện, BHYT còn hạn chế, nên một số nông dân vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự nguyện tham gia.

Nhận định về nguyên nhân của hiện trạng này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, có thể do cấp ủy, chính quyền các cấp ở một số địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo. Mỗi địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHXH, BHYT. Do phần lớn người dân nơi đây đều có ruộng, có vườn, có nguồn thủy sản dồi dào do thiên nhiên ban tặng, cộng thêm tính cách phóng khoáng trong lối sống, nên người dân không có thói quen tích cóp chuẩn bị cho bản thân khi tuổi già. “Những vấn đề nêu trên, chính là những trở ngại đối với công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT tại vùng ĐBSCL”, ông Sơn nói.

Để thực hiện đạt mục tiêu của Đảng và Nhà nước đặt ra đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT và 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.

Giải pháp nào để nâng cao tỷ lệ bao phủ ?

Năm 2017, tỉnh Hậu Giang được giao chỉ tiêu bao phủ BHYT là 77,8%, tính đến ngày 30-9, Hậu Giang có 592.463 người tham gia BHYT, chiếm 76,56% dân số, đạt 97,25% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Trong đó, BHYT hộ gia đình có 117.740 người tham gia, chiếm 43,39% số đối tượng hộ gia đình của tỉnh. Theo đánh giá của BHXH tỉnh Hậu Giang, đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT còn hạn chế.

Tại Hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện khu vực ĐBSCL” tổ chức vừa qua tại thành phố Cần Thơ, BHXH Hậu Giang đã thông tin, để nâng cao tỷ lệ đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT, BHXH tỉnh Hậu Giang đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện việc mở rộng độ bao phủ BHYT. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT. BHXH các huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách BHYT cho người dân chưa tham gia bằng hình thức đối thoại trực tiếp. Được biết, từ năm 2016, Hậu Giang tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách BHYT tại 58/76 xã, phường, thị trấn, với 6.850 lượt người tham dự. Trong 8 tháng đầu năm 2017, đã tổ chức ở 49/76 xã, phường, thị trấn, với 7.920 lượt người tham dự. Đặc biệt, tại huyện Châu Thành A, Bí thư Huyện ủy còn đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT. Theo chia sẻ của Bí thư Huyện ủy Châu Thành A Phan Thạch Em, sự nỗ lực, quyết liệt và hết lòng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ mang lại nhiều hiệu quả tốt.

Ngoài đối thoại trực tiếp với người dân, một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL còn xây dựng nhiều mô hình để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện. Điển hình như mô hình “BHYT toàn dân” ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Đức Tân, việc triển khai mô hình BHYT toàn dân được triển khai chặt chẽ, có xây dựng kế hoạch cụ thể. Hội Nông dân xã đã giao chỉ tiêu tuyên truyền, vận động cho các chi hội nông dân để vận động hội viên, bà con nông dân tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Long An còn phối hợp với BHXH tỉnh hỗ trợ tài liệu, tờ bướm tuyên truyền và báo cáo viên tại các buổi truyền thông tại các ấp. Ngoài ra, còn tuyên truyền chính sách về BHXH, BHYT trên loa truyền thanh... “Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tính đến tháng 8-2017, số người có thẻ BHYT toàn xã là 7.466 người, đạt 89,94% tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân trong xã (tăng 9,1% so với trước khi triển khai mô hình). Đáng lưu ý là số lượng người đến liên hệ với đại lý để tìm hiểu chính sách BHYT tăng đáng kể”, ông Hải bộc bạch.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại khu vực ĐBSCL đảm bảo hoàn thành mục tiêu chung về BHXH, BHYT được Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết số 21, trong thời gian tới BHXH các địa phương phải chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với HĐND các cấp, đưa chỉ số phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của địa phương. BHXH các địa phương phải chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, ngay tại cơ sở và ở từng địa bàn, từng cụm dân cư. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò, uy tín, kinh nghiệm của hội nông dân các cấp cũng như vai trò của các đại lý thu BHXH trong công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đối với từng gia đình hội viên, đoàn viên các cơ quan đoàn thể…

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, để mở rộng đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện vùng ĐBSCL phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cơ quan BHXH các cấp, các cơ sở khám chữa bệnh phải tăng cường hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cũng như thái độ phục vụ người dân, người tham gia BHYT…

 

Bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cho biết, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cấp hội nông dân cần có hình thức, nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng phù hợp với từng khu vực, vùng miền. Đồng thời, phát huy những hình thức tuyên truyền có hiệu quả trong thời gian qua như đối thoại chính sách, xây dựng câu lạc bộ, tổ chức các hội thi liên quan đến BHXH, BHYT, để đưa chính sách BHXH, BHYT đến tận người dân.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>