Đồng cảm và sẻ chia

15/06/2017 | 07:53 GMT+7

Xem bệnh nhân như người nhà, tận tình chăm sóc và điều trị là điều mà các cán bộ y tế tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần và Da liễu tỉnh đã, đang và sẽ làm.

Các y, bác sĩ tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần và Da liễu tỉnh luôn hết lòng chăm sóc bệnh nhân.

Có dịp đến Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần và Da liễu tỉnh sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh những cán bộ y tế tận tình chăm sóc bệnh nhân. Bà Nguyễn Hồng Nhặn, Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần và Da liễu tỉnh, chia sẻ: “Khi bệnh nhân lên cơn, họ không làm chủ được bản thân nên la hét, đánh hay chửi bới chúng tôi là chuyện bình thường. Đôi khi cũng buồn nhưng chúng tôi luôn thông cảm và giúp đỡ để họ mau hết bệnh”. Có bệnh nhân đôi khi bẻ gãy cả giường nên bệnh viện phải cho lắp giường sắt và đổ chân trụ giường xuống nền gạch. Đa phần nhiều người thường có sự phân biệt và xa lánh các bệnh nhân tâm thần phân liệt bởi không muốn gặp phải những rắc rối. Lúc ấy, vai trò của các cán bộ y tế trực tiếp đảm nhiệm việc chăm sóc bệnh nhân lại càng mạnh mẽ hơn. Chính sự chân thành, đồng cảm và sẻ chia giúp các y, bác sĩ luôn tận tâm với công việc.

Mặc dù có khó khăn nhưng các cán bộ y tế điều trị cho bệnh nhân tâm thần phân liệt đều vui vẻ và nhiệt tình. Họ xem đó là việc cần và nên làm để giúp đỡ bệnh nhân. BSCKI. Đặng Quốc Việt có 9 năm gắn bó với bệnh viện, tâm sự: “Tôi chỉ mong giúp bệnh nhân mau chóng ổn định tinh thần. Hy vọng gia đình người bệnh hiểu và có thái độ hợp tác tốt với chúng tôi để hiệu quả điều trị được cao hơn”. Có khá nhiều trường hợp bệnh nhân bệnh tâm thần phân liệt nhưng người nhà nghĩ là bị ma nhập. Do đó, gia đình không chịu cho bệnh nhân nhập viện mà đưa đến thầy bùa, thầy pháp. Điều này sẽ làm giảm sút hiệu quả điều trị. Bệnh nhân tâm thần phân liệt không thể kiểm soát được bản thân nên vai trò của gia đình vô cùng quan trọng, giúp bác sĩ nắm rõ được tình trạng bệnh nhân. Bác sĩ Việt chia sẻ thêm: “Điều trị cho bệnh nhân tâm thần chúng tôi thường hỏi thăm và trò chuyện nhiều hơn để xem họ giảm bớt bệnh hay chưa. Thấy họ tội nghiệp lắm, lúc bình thường vẫn chào hỏi và nói chuyện như không có gì nhưng đến khi lên cơn thì không biết ai hết”.

Còn đối với những điều dưỡng trẻ, việc tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần sẽ không khỏi bỡ ngỡ khi họ chưa có nhiều kinh nghiệm. Đa phần bệnh nhân sẽ có thái độ bất hợp tác, đánh, chửi cán bộ y tế và điều này đã trở thành “chuyện thường ở huyện”. Điều dưỡng Lâm Thị Mỹ Dung có 2 năm gắn bó với bệnh viện, chia sẻ: “Lúc đầu mới về công tác gặp những bệnh nhân tâm thần phân liệt tôi sợ và ngại lắm, bởi không biết họ sẽ đánh hay chửi mình lúc nào. Theo thời gian tôi đã quen dần, nhiều lần bị bệnh nhân đánh thậm chí là tỏ tình tôi vẫn bình thường. Tôi thấy thương và tội nghiệp cho họ mong muốn lớn nhất là giúp họ vượt qua bệnh tật”.

Nhưng có lẽ niềm vui của những cán bộ y tế chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần phân liệt là thấy họ được khỏe mạnh, ổn định tâm lý, tái hòa nhập cộng đồng và được xã hội đón nhận. Theo chia sẻ của ban giám đốc bệnh viện, đa phần các bệnh nhân đều có hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nên đơn vị luôn chủ động giúp đỡ khi có điều kiện. Các cán bộ y tế sẽ góp tiền tùy vào lòng hảo tâm của mỗi người để hỗ trợ cho bệnh nhân. Ông Phú Quốc Việt, ở khu vực 7, phường IV, thành phố Vị Thanh, chăm sóc cho người nhà đang điều trị tại bệnh viện, nói: “Cán bộ y tế ở đây ai cũng nhiệt tình vui vẻ hết. Các bác sĩ thường hỏi thăm bệnh nhân và tận tình hướng dẫn”.

Ngoài các bệnh nhân tâm thần phân liệt thì việc điều trị và chăm sóc những người bị bệnh phong cũng khó khăn không kém. Điều dưỡng Trần Thị Tuyết Sinh, bộc bạch: “Có nhiều người sợ lây bệnh nên không dám lại gần bệnh nhân phong, còn chúng tôi thì hiểu và thương họ lắm. Tôi xem họ như người thân trong gia đình mình nên luôn tận tình chăm sóc”. Điều khiến nhiều người sợ nhất ở bệnh nhân phong là những vết thương bị thối và mùi hôi nồng nặc bốc lên từ đó. Những lúc ấy chỉ có lòng yêu nghề, cái tâm của một người thầy thuốc mới đủ sức mạnh để đối diện. Dẫu trong công việc còn nhiều khó khăn nhưng các y, bác sĩ bệnh viện vẫn tận tâm và miệt mài với công việc từng ngày. Mong muốn lớn nhất của họ là bệnh nhân mau khỏi bệnh và trở về cuộc sống thường nhật như bao người.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>