Động lực cho học sinh nghèo

17/09/2019 | 07:57 GMT+7

Với những mô hình thiết thực và ý nghĩa, thời gian qua, phong trào Chữ thập đỏ (CTĐ) trường học đã góp phần chia sẻ khó khăn, tiếp thêm động lực cho nhiều em học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường.

Mô hình “Bữa ăn sáng nghĩa tình” của Trường THCS Hiệp Lợi, đã giúp cho nhiều học sinh khó khăn có được bữa sáng trọn vẹn hơn.

Là ngôi trường nằm ở vùng nông thôn sâu, nên dường như thầy, cô ở Trường THCS Tân Phú, thị xã Long Mỹ, càng thấu hiểu hơn ước mơ được đến trường của nhiều học sinh nghèo. Cũng vì thế, mà sau 6 năm chia tách trường, các thầy cô nơi đây đã tích cực vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm để thực hiện mô hình “Gắn địa chỉ nhân đạo hỗ trợ cho học sinh nghèo”. Cô Ngô Thị Kim Hoa, Chủ tịch Hội CTĐ của trường, tâm sự: “Mừng lắm, từ hồi mô hình được thành lập, các em học sinh của trường, đặc biệt là học sinh nghèo đều rất nỗ lực trong học tập để mong có thể nhận được sự hỗ trợ từ mô hình. Hiện tại, thông qua mô hình đã có 15 em học sinh nghèo vượt khó học tốt, đang được nhận hỗ trợ chi phí học tập hàng tháng”.

Qua hơn 3 năm thành lập, mô hình “Gắn địa chỉ nhân đạo hỗ trợ cho học sinh nghèo” của Trường THCS Tân Phú, đã hỗ trợ chi phí hơn 300.000 đồng/tháng, cho 15 em học sinh nghèo có thành tích học tập khá, giỏi. Kinh phí thực hiện mô hình do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ mô hình, các em học sinh không chỉ giữ vững thành tích, mà nhiều em hiện nay đã là học sinh lớp 12. “Ngoài hỗ trợ chi phí học tập, vào các dịp lễ, tết bên hội đều xuống tặng thêm quà nhằm khích lệ động viên các em. Với những hiệu quả thiết thực đã mang lại hiện tại, chúng tôi cũng đang đề xuất để Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua mô hình hỗ trợ thêm cho khoảng 10 em học sinh nữa của trường”, cô Hoa chia sẻ thêm. 

Cùng chung mục tiêu chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo, từ nguồn kinh phí được mạnh thường quân hỗ trợ, nhiều năm nay, Trường THCS Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, đã triển khai thực hiện mô hình “Bữa ăn sáng nghĩa tình”. Thầy Nguyễn Hữu Khanh, Chủ tịch Hội CTĐ của trường, bộc bạch: “Mô hình được thành lập nhằm động viên, giúp đỡ một phần khó khăn về kinh tế cho gia đình học sinh nghèo và giúp các em có đầy đủ sức khỏe để học tập tốt hơn”.

Trước tình hình thực tế, số lượng học sinh khó khăn ở trường còn nhiều, chiếm khoảng 20% tổng số học sinh của trường. Cùng với thực trạng, một số em do kinh tế gia đình khó khăn thường xuyên phải nhịn đói đến trường dẫn đến tình trạng hạ canxi, ngất xỉu… nên từ năm học 2016-2017, Trường THCS Hiệp Lợi, đã thành lập mô hình “Bữa ăn sáng nghĩa tình”, giúp cho hơn 20 em học sinh nghèo vượt khó học giỏi có bữa ăn sáng trọn vẹn. Những em học sinh được mô hình chọn thực hiện hỗ trợ, mỗi buổi sáng, các em sẽ đến căng tin trường để ăn sáng hoàn toàn miễn phí.

Còn ở Trường THCS Trường Long A, huyện Châu Thành A, cũng thông qua các mô hình như: trồng gấc, “Thùng từ thiện”… do Hội CTĐ của trường phát động thực hiện, đã góp phần tiếp thêm điều kiện đến trường cho nhiều học trò nghèo. Cô Phạm Thùy Dương, Chủ tịch Hội CTĐ của trường, cho biết: “Các mô hình của trường được xây dựng không chỉ san sẻ phần nào với các em học sinh khó khăn, mà còn góp phần giáo dục ý thức cho học sinh của trường. Mỗi mô hình, khi triển khai thực hiện đều dựa trên điều kiện thực tế, nên rất được học sinh, thầy cô và cả phụ huynh của trường hăng hái tham gia. Nhờ vậy, mà từng mô hình đều mang lại hiệu quả rất tích cực”.

Tận dụng những khoảng đất trống xung quanh trường, năm học 2016-2017, Trường THCS Trường Long A đã triển khai thực hiện mô hình trồng gấc. Tính đến nay, hiện trường đã trồng được hơn 20 dây gấc lớn, nhỏ trung bình gấc trái được bán với giá 5.000-10.000 đồng/kg. Ngoài mô hình trồng gấc, thời gian qua, mô hình “Thùng từ thiện” ở trường cũng được học sinh và giáo viên tham gia rất tích cực. Theo đó, khi nhặt được tiền rơi các em học sinh sẽ giao lại cho giáo viên để thông báo cho người đánh rơi đến nhận. Nếu sau thời gian thông báo, không ai đến nhận lại, số tiền đó sẽ được bỏ vào thùng từ thiện để dành gây quỹ mua quà hỗ trợ học sinh nghèo... Thông qua số tiền thu được từ mô hình trồng gấc và mô hình “Thùng từ thiện”, vào mỗi dịp tết đến, đa phần học sinh nghèo của trường đều sẽ được nhận một phần quà ý nghĩa để vui xuân đón tết.

Đây chỉ là một trong số những mô hình CTĐ trường học đã và đang mang lại hiệu quả tích cực cho học sinh nghèo, học sinh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Với sự chia sẻ kịp thời này, phong trào CTĐ trường học sẽ ngày càng lớn mạnh và trở thành những chiếc cầu nối chắp cánh cho nhiều ước mơ đến trường được bay cao hơn nữa.

 Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>