Đừng để tai nạn đuối nước mãi ám ảnh

26/07/2018 | 08:25 GMT+7

Tai nạn đuối nước đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ đối với các gia đình có trẻ nhỏ không may bị nạn, mà còn khiến toàn xã hội phải bàng hoàng, đau xót.

Bài 1: Bất cẩn, chủ quan

Nhiều gia đình đã mãi mãi mất đi những người con, người cháu thân yêu của mình vì tai nạn đuối nước.

Trẻ tắm sông phải có người lớn giám sát.

Cứ nhắc lại buồn

Nhìn quyển tập của đứa con trai viết còn dang dở, chị P.T.H., ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, lại nước mắt ngắn dài. Lấy tay lau nước mắt, chị H. chia sẻ: “Nếu cháu P. còn sống (cháu L.B.P.), thấy cô, chú đến nhà như vầy, thế nào cháu cũng ra chào cô chú, cháu nó ngoan ngoãn, lễ phép lắm”. P. là con trai thứ ba của vợ chồng chị H., năm nay cháu 6 tuổi, chuẩn bị vào học lớp 1. Sự việc đau lòng diễn ra vào ngày 19-6. Hôm đó, vợ chồng chị H. đi ruộng đốn bắp, còn P. ở nhà chơi với chị Hai (con gái lớn của vợ chồng chị H. 8 tuổi) và bà nội. Chơi được một lúc, P. xin bà đi ra vườn nhưng bà nội không cho đi, sau đó, cháu xin qua nhà người quen gần bên nhà chơi. Những tưởng cháu sẽ chơi ở nhà người quen, nào ngờ, cháu bé nhà người quen không có nhà, P. đã đi ra ruộng nơi cha mẹ em đốn bắp và không may rơi xuống mương nước vừa mới múc. Lúc này, trong nhà bà nội cứ ngỡ cháu chơi ở nhà người quen, còn vợ chồng chị H. cứ nghĩ con ở nhà với nội và chị Hai. “Cháu P. hay theo vợ chồng tôi ra ruộng, mọi khi đi gần tới ruộng không thấy vợ chồng tôi là cháu kêu lên, chừng nào thấy mặt mới thôi. Nhưng ngày hôm đó, cháu chẳng kêu, vợ chồng tôi cứ nghĩ cháu ở nhà với bà, đâu ngờ xảy ra sự việc đau lòng như vậy”, chị H. tâm sự.

Từ ngày xảy ra sự việc đau lòng, căn nhà ít hẳn tiếng nói cười trò chuyện lẫn nhau, thay vào đó là những giọt nước mắt, sự tiếc nuối giá như hôm đó cháu kêu cha mẹ thì sự việc cũng không đến nỗi. Còn bà nội cháu, nếu như tôi chẳng cho cháu đi chơi thì sự việc có lẽ đã khác…

Chính sự hiếu động ham chơi của trẻ em và sự lơ là, bất cẩn của người thân đã dẫn đến sự việc đau lòng. Cũng do sự bất cẩn, mà gia đình bà M.T.M., ở xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, mất đi đứa cháu nội. Nhớ về sự việc đã qua, bà M. rơm rớm nước mắt kể, con dâu và cháu nội (cháu T.T.H. 18 tháng tuổi) thường đến nhà chị sui ở phường VII, vì chị sui ở có một mình lại hay bị bệnh. Vào ngày mùng 9 tết, con dâu và cháu nội ở bên ngoại chơi, hôm đó, con dâu đi vệ sinh ở phía sau nhà, lúc chuẩn bị đi có nói với chị sui rằng mẹ coi bé H. giùm con, nhưng chị sui ở nhà trên không nghe thấy, con dâu cứ ngỡ chị sui đã nghe nên cứ đi. Sau khi đi vệ sinh xong, chị còn qua nhà người quen nói chuyện, một lát sau về nhà mới phát hiện cháu H. không có ở nhà. Lúc đó, gia đình mới tức tốc đi tìm, thì phát hiện cháu bị rơi xuống mương nước phía sau nhà.

11 em bị đuối nước

Không riêng 2 trường hợp trên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phụng Hiệp có 5 trẻ bị đuối nước. Bà Thái Vinh Hoa, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Phần lớn trẻ em bị đuối nước thường xảy ra ở kênh rạch quanh nhà, nơi các em sinh sống. Nguyên nhân chủ yếu do sự lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác của người lớn. Mặt khác, trẻ chưa lường hết được nguy hiểm khi đến gần kênh rạch, hay những vật dụng chứa nước. Cùng với đó, nhiều trẻ em còn hiếu động, ham chơi nên thường đến gần khu vực kênh, mương. Trẻ chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng, tránh đuối nước…”.

Tai nạn đuối nước đối với trẻ em không những gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về con người, tài sản, những mất mát vô cùng đáng tiếc mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội… Theo số liệu thống kê năm 2017, toàn tỉnh có 18 em bị đuối nước và từ đầu năm đến nay có 11 em bị tai nạn đuối nước. Độ tuổi các em bị tai nạn đuối nước từ trên 1 tuổi đến 13 tuổi. Do đó, việc phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình, mà còn của cả cộng đồng xã hội.

Để góp phần phòng, tránh tai nạn đuối nước đến mức thấp nhất, ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, gia đình, trẻ em, để mọi người chủ động trong việc phòng, tránh tai nạn đuối nước. Thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn, để phòng tránh tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng. Ngoài ra, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực trẻ em, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Riêng các gia đình cần quan tâm đến con trẻ, giám sát đầy đủ mỗi khi trẻ đến gần khu vực sông, kênh, mương nguy hiểm và sắp xếp thời gian để cho trẻ học bơi. Việc học bơi sẽ giúp trẻ tránh được sự nguy hiểm khi ở dưới nước cũng như có khả năng cứu được người không may bị đuối nước…

Đừng để trẻ tự vui chơi ở kênh, mương

Bà Nguyễn Thị Kiều Diễm, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố xảy ra 1 vụ tai nạn đuối nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của gia đình để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như kênh, mương. Việc phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ phải được xem là vấn đề cấp bách, cần sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội. Việc dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ cần sự kết hợp của cả gia đình, nhà trường và các tổ chức chính trị - xã hội”.

 

Xây dựng 1.000 ngôi nhà an toàn

Thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, theo đó, tỉnh sẽ thực hiện các mục tiêu cụ thể như giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích xuống còn 600/100.000 trẻ em. Xây dựng 1.000 ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn, 40 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn, 10 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn. 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Bài 2: Học bơi - Giải pháp căn cơ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích