Gánh nặng thời tăng giá

29/03/2019 | 06:52 GMT+7

Từ ngày 20-3, giá điện đã chính thức tăng hơn 8,3%, còn giá xăng cũng đang ở mức cao, nhiều khoản tăng dồn dập khiến doanh nghiệp, người tiêu dùng lo lắng.

Giá điện tăng sẽ gây áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp sử dụng các thiết bị sản xuất bằng điện.

Áp lực đè nặng lên doanh nghiệp

Khi giá điện tăng, cả tuần nay, ông Nguyễn Thanh Điền, Giám đốc Công ty TNNH Thùy Dương, ở Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh, chuyên sản xuất gạch không nung đã tính toán đến việc điều chỉnh phương án để cắt giảm chi phí sản xuất. Ông Điền chia sẻ: Hiện nay, toàn bộ máy móc thiết bị của nhà máy sử dụng toàn bộ bằng điện. Do đó, giá điện tăng sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Trong khi đó, thị trường phải cạnh tranh nhau, chỉ cần giá bán cao hơn 1-2 đồng là bị đối tác từ chối ngay.

Theo ông Điền, giá điện tăng gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp vì ngành này sử dụng điện rất nhiều trong khâu sản xuất. Trung bình mỗi tháng tiêu tốn hàng chục triệu đồng tiền điện, với giá điện tăng như dự kiến thì mỗi tháng phải chi thêm vài triệu đồng cho tiền điện. Trong khi tất cả chi phí khác cũng tăng. Chi phí sản xuất tăng sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Thế nhưng, giá bán sản phẩm thì không thể tăng, điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Không chỉ có giá điện, xăng, dầu cũng đang là nỗi lo của hầu hết các doanh nghiệp, bởi nó là đầu vào của rất nhiều lĩnh vực kinh tế, do đó việc tăng giá xăng dầu chắc chắn tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm. Sau nhiều lần biến động, giá xăng hiện vẫn giữ ở mức cao, theo đó giá bán lẻ xăng E5 RON 92 là 17.210 đồng/lít, còn xăng RON95 đang ở mốc 18.690 đồng/lít.

Ông Đoàn Văn Điền Năng, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Hậu Giang (Mai Linh Hậu Giang), cho biết hiện giá nhiên liệu chiếm khoảng 30% giá cước vận tải taxi. Giá xăng từ năm 2018 đến nay có rất nhiều biến động nhưng cước taxi chưa điều chỉnh lần nào. Nếu tính ra giá tăng lần này chỉ gần 1.000 đồng, con số này tưởng chừng nhỏ, song cộng dồn vào cả năm thì chi phí doanh nghiệp tăng khá lớn. “Hiện nay, doanh nghiệp vận tải rất khó khăn khi phải đóng rất nhiều loại thuế, phí, trong đó nặng nhất là phí BOT và phí bảo trì đường bộ hàng năm thu trên đầu xe”, ông Năng nói thêm.

Đặc biệt, theo ông Năng, cái lo lớn nhất của ngành là chăm lo đời sống người lao động, bởi đời sống tài xế phụ thuộc vào giá xăng rất nhiều. Trong bối cảnh này, nếu có một tác động nào đó về xăng tăng thì ắt hẳn doanh nghiệp sẽ đau đầu hơn trong tính toán, cân đối các khoản chi phí sao cho hiệu quả hơn để giữ chân người lao động. Hiện các doanh nghiệp vận tải cũng đang phải tính toán để tiết giảm chi phí, cụ thể sử dụng phương tiện tốt hơn, thường xuyên bảo trì xe để tiết giảm việc tiêu hao nhiên liệu. Đồng thời, tập đoàn cũng đã giữ quan điểm không tăng giá cước tùy tiện mà xây dựng phương thức khác để người lao động có lợi trong điều kiện giá xăng biến động như hiện nay. 

Người dân thêm khó

Việc giá xăng, dầu, điện, nước tăng không chỉ là gánh nặng của các doanh nghiệp mà còn là gánh nặng cho người làm công ăn lương. Anh Ngô Văn Nghiệp, tài xế chạy taxi của Mai Linh Hậu Giang, than thở: “Trước đây, khi giá xăng dầu chưa tăng, cuộc sống khá ổn định. Trung bình mỗi tháng thu nhập cũng hơn 5 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá xăng liên tục tăng nên số tiền chi cho xăng dầu cũng tăng thêm nhiều nên thu nhập cũng giảm theo”.

Theo anh Nghiệp, hiện nay anh ở trọ, mỗi tháng đã chi tiêu cho tiền trọ, chi phí điện, nước cũng đã 700.000-800.000 đồng, đó là chưa kể còn các khoản chi tiêu khác. “Hiện tại, để bù đắp cũng như đảm bảo thu nhập, tôi phải cố gắng tìm nhiều khách để chạy trong ca của mình. Không chỉ xăng mà còn các chi phí khác cũng tăng mỗi thứ một chút, người làm công ăn lương như tôi vô cùng khó”.

Mỗi lần xăng, dầu tăng giá đều kéo theo tiếng thở dài của người dân, doanh nghiệp. Vì không đơn thuần chỉ là việc phải trả thêm mấy trăm đồng cho một lít xăng mà đằng sau đó là cả nỗi lo về giá cả, lạm phát… Dù đã ra tết gần 2 tháng nay, thế nhưng giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân vẫn còn cao ngất ngưởng làm cho các bà nội trợ không ngừng than thở. Nếu so sánh giá cả các loại hàng hóa ngay thời điểm hiện tại với những ngày trước Tết Nguyên đán thì có giảm chút ít, nhưng vẫn còn cao.

Chị Nguyễn Thị Lan, ở huyện Vị Thủy, tranh thủ những ngày cuối tuần dẫn con vào siêu thị vừa chơi vừa tham khảo một số sản phẩm khuyến mãi. Chị Lan bộc bạch: “Bây giờ, cái gì cũng tăng lên một ít nên chi tiêu phải thật hợp lý. Hồi trước, cứ thấy gì cũng mua nhưng bây giờ chỉ mua những thứ cần thiết thôi. Vì gas, điện, nước đều tăng nên mình phải biết gói ghém cho gia đình”.

Khi xăng, dầu, điện tăng, có thể thấy hàng loạt các ngành sản xuất cũng bị tác động và có khả năng phải tăng giá sản phẩm, dịch vụ. Vì thế, bao nhiêu thiệt thòi vẫn sẽ đổ lên vai người tiêu dùng.

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>