Giảm nghèo bền vững từ cách làm phù hợp

01/03/2021 | 18:04 GMT+7

Hậu Giang là địa phương được đánh giá là điểm sáng trong công tác giảm nghèo của cả nước. Kinh nghiệm giảm nghèo đã được nói đến nhiều, trong đó hướng đi để giảm nghèo bền vững hiện nay chính là thực hiện chương trình hỗ trợ phù hợp, vừa sức với điều kiện hộ nghèo...

Mục tiêu vì người nghèo được hiện thực hóa từ nhiều chương trình, hoạt động, đóng góp vì người nghèo.

Hỗ trợ vừa sức hộ nghèo

Cho mấy con bò ăn xong, anh Trần Văn Đông, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho biết: “Nhờ mô hình này, gia đình tôi mới có cuộc sống như hôm nay. Vợ chồng tôi ráng dành dụm, đầu tư vào đàn bò, hy vọng đời sống kinh tế phát triển hơn”. Cách đây hơn 5 năm, cuộc sống quá khó khăn, gia đình anh Đông được cấp sổ hộ nghèo. Từ ngày rơi vào hộ nghèo, vợ chồng anh cật lực lao động. Để lo kế mưu sinh, gia đình đã thuê bãi trồng lục bình, ngoài ra còn đi giăng lưới, cắm câu, ai thuê mướn dẫu nặng nhọc gì cũng làm. Thấy anh chị chí thú làm ăn, chính quyền địa phương đã xét để gia đình mượn 15 triệu đồng từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo để thực hiện mô hình làm ăn, nhằm cải thiện kinh tế, ổn định đời sống. 

Từ số tiền mượn cộng thêm vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 35 triệu đồng, gia đình anh Đông đã mua 2 con bò về nuôi, sau thời gian chăm sóc, gia đình xuất bán, trừ chi phí mỗi con lời khoảng 10 triệu đồng. Từ khoản lời này cộng thêm số vốn tích lũy, gia đình đã mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Anh Đông bộc bạch: “Tôi dự định, sau khi hai con bò này sinh sản, tôi sẽ để lại nuôi. Không có ruộng vườn, chúng tôi phải tính toán mô hình làm ăn phù hợp, để phát triển kinh tế gia đình”. Ngoài nuôi bò, anh Đông còn đi giăng lưới, cắm câu, còn vợ anh thì đan đát, mỗi thứ cho thu nhập một ít, cuộc sống cũng dễ thở hơn và vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2020. Theo anh Đông, cùng với các chính sách hỗ trợ, bản thân hộ nghèo cần cố gắng vươn lên, không ỷ lại, thực hiện mô hình làm ăn hợp lý thì có thể thoát nghèo.

Nhằm tạo điều kiện để hộ nghèo có thêm nguồn vốn, thực hiện mô hình sản xuất, chăn nuôi, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phân bổ nguồn vốn về các địa phương để thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, góp phần giúp hộ nghèo tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống. Khi thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, hộ nghèo được mượn vốn để mua con giống chăn nuôi (không tính lãi), sau 3 năm sẽ hoàn trả lại vốn, để chuyển giao cho hộ khác.

 Cùng với đó, tỉnh còn thực hiện tốt việc vay vốn ưu đãi, giúp hộ nghèo có điều kiện để thực hiện mô hình giảm nghèo. Trong năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hậu Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể triển khai cung cấp tín dụng ưu đãi cho 1.947 hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền trên 61 tỉ đồng. Ngoài ra, thực hiện tốt dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí cho con em hộ nghèo...

Hiện thực hóa mục tiêu vì người nghèo

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình anh Lê Thanh Tuân, ở ấp 2A, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, đã đầu tư vào mô hình chăn nuôi, nhờ vậy, kinh tế cải thiện, vươn lên thoát nghèo. Anh Tuân chia sẻ: “Mấy năm trước, chúng tôi là hộ nghèo ở ấp, gia đình đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi cùng sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương. Nhờ được vay vốn, chúng tôi đã thực hiện mô hình làm ăn có hiệu quả và đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Tới đây, chúng tôi tiếp tục cố gắng lao động sản xuất, để kinh tế gia đình ngày càng phát triển, tránh tái nghèo”.

Mấy năm trước, anh Tuân đã vay gần 50 triệu đồng để chăn nuôi heo, trồng khóm. Sau nhiều năm chí thú làm ăn, gia đình đã tích lũy mua thêm được 2 công đất vườn. Hiện nay, ngoài 4 công đất trồng khóm, gia đình đang nuôi 3 con dê và cua đinh. Anh Tuân chia sẻ: Nếu mô hình chăn nuôi thuận lợi, đời sống kinh tế sẽ thêm khởi sắc. Để có được cuộc sống như hôm nay, anh Tuân chia sẻ rằng, ngoài nỗ lực của bản thân, anh còn nhờ vào sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, tạo điều kiện để anh tiếp cận vốn vay, cũng như tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi. Vì thế, có thêm kiến thức để áp dụng tại gia đình.

Với mục tiêu tất cả vì người nghèo, các giải pháp, cách làm đã mang lại hiệu quả tích cực. Trong nhiệm kỳ 2015-2020 tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khơi gợi ý chí tự lực vươn lên của hộ nghèo. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp, để hỗ trợ, tiếp sức cùng hộ nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương giảm rõ qua từng năm. Nếu như đầu năm 2016, toàn tỉnh có trên 29.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,9% thì đến cuối năm 2020 giảm còn 6.965 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,46%.

 Theo ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để thực hiện đạt kết quả trên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân. Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong năm 2021, ngành tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên phát triển sản xuất. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào những huyện còn khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt tập trung đào tạo nghề theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo vay vốn, cộng với hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo. Cùng với đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững…

Từ năm 2016-2020, tỉnh đã thực hiện tín dụng ưu đãi cho trên 73.400 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Cấp thẻ BHYT cho trên 780.400 người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh việc thực hiện các dự án Chương trình 135, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn một số xã. Ngoài ra, hộ nghèo còn tiếp cận một số chương trình tín dụng khác như học sinh, sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường, làm nhà ở… Nhờ đó, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>