Giữ hồn quê qua chiếc bánh dân gian

07/05/2019 | 08:57 GMT+7

Là một trong những người luôn dành nhiều tâm huyết để làm các loại bánh dân gian, đặc biệt là bánh bông lan bằng khuôn đồng, hơn 30 năm qua, bà Phạm Thu Thủy, ở ấp 1, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, đã không chỉ góp phần gìn giữ, mà còn giới thiệu hình ảnh chiếc bánh dân gian này, đến với nhiều thực khách tại các lễ hội.

Với bà Thủy, nhìn những chiếc bánh do mình làm ra được nhiều người ưa chuộng là một niềm vui rất lớn.

Ven con đường nông thôn nhỏ về xã Long Trị, chúng tôi có dịp tìm gặp bà Thủy, người có lẽ là duy nhất ở địa phương này còn chịu gắn bó với cái nghề làm bánh bông lan. Mặc cho cái nắng bên ngoài trời gay gắt, bên trong gian nhà sau, một bếp than đỏ lửa có sức nóng gấp đôi ngoài trời đã được bà Thủy chuẩn bị sẵn cho công việc nướng bánh. Đang nhanh tay cho bột vào khuôn để làm ra những chiếc bánh kịp bán chợ sáng ngày mai, bà Thủy nói: “Bánh này, nguyên liệu trước giờ vẫn là trứng vịt, bột mì ngang, đường và vani, nên mùi vị rất thơm ngon và tự nhiên. Đến nay, tôi đã coi công việc làm bánh là cái nghề rồi, bởi cũng nhờ cái nghề này, mà tôi có điều kiện để lo cho 3 đứa con vào được đại học”.

Học được cái nghề làm bánh bông lan từ bà ngoại lúc còn rất nhỏ, khi lớn lên bà Thủy cứ nghĩ chỉ làm để ăn hoặc đãi bà con mỗi khi nhà có đám tiệc. Rồi đến năm 31 tuổi, trong một lần thấy chiếc khuôn đồng để nướng bánh bông lan của ngoại bỏ không, bà đã nảy sinh ý định làm bánh bán, cũng như giữ gìn lại hình ảnh chiếc bánh dân gian của ông bà đã truyền lại. Được biết, trong gia đình 8 chị em của bà Thủy, chỉ có bà và một người chị là biết làm bánh bông lan, nhưng chọn gắn bó với nghề đến nay chỉ có mình bà Thủy. “Dù ngày nay, làm bánh bông lan đã đỡ cực hơn trước khi có máy móc hiện đại thay thế cho một số công đoạn như đánh trứng, nhưng để làm ra cái bánh, người thợ phải tiếp xúc nhiều với lửa than rất vất vả. Cũng vì vậy, hiện tại đã có rất nhiều người bỏ nghề và không có thế hệ kế thừa. Một thời gian nữa, khi có nhiều loại bánh hiện đại du nhập, tôi sợ rằng loại bánh bông lan dân dã này chắc sẽ không còn nữa”, bà Thủy chia sẻ thêm.

Để làm ra chiếc bánh bông lan thơm ngon, người thợ làm bánh sẽ có công thức tính toán để trứng vịt, bột mì ngang và đường có khối lượng phù hợp nhau. Trứng vịt sau khi được chọn, sẽ bỏ vỏ cho vào máy để đánh đến khi trứng dậy đều thành bọt trắng mịn là được, tiếp đó sẽ cho thêm một ống vani và đường vào. Sau khi trứng và đường đã hòa quyện vào nhau, sẽ được múc ra tô để trộn bột vào vừa đủ từng khuôn và cho vào nướng. Thông thường từ khi cho bột vào khuôn nướng, đến lúc bánh chín sẽ mất khoảng thời gian 10 phút. Đặc biệt, để bánh chín đều cả hai mặt, người thợ làm bánh phải chú rất nhiều đến phần canh lửa ở dưới và trên mặt khuôn.

Được biết, với giá cả bình dân những chiếc bánh bông lan được làm từ đôi bàn tay khéo léo của bà Thủy, hiện được rất nhiều người ưa chuộng tìm mua. Bà Thủy cho biết: “Hồi xưa, bánh bông lan này chỉ 2.000-3.000 đồng/chục thôi, đến nay đã được 8.000 đồng/chục rồi, trừ hết chi phi mỗi chục bánh hiện tôi cũng lời được khoảng 3.000 đồng. Hiện không chỉ nướng bánh bán ở chợ Cái Sơn (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp), tôi còn nhận làm bánh cho khách đặt phục vụ đám tiệc nữa. Theo tôi, làm bánh bông lan này không khó, nếu ai chịu khởi nghiệp với nghề này, chỉ cần bỏ ra ít vốn mua khuôn, nguyên liệu thì cũng có thể sống được với nghề”.

Không chỉ gắn bó để góp phần giữ gìn hình ảnh, hương vị đặc trưng của chiếc bánh bông lan dân dã hơn 30 năm qua, mới đây nhất, bà Thủy còn là một trong hai nghệ nhân đại diện tỉnh Hậu Giang, tham gia Lễ hội bánh dân gian Nam bộ - Cần Thơ 2019. Với sản phẩm bánh bông lan nướng khuôn đồng, bà Thủy đã được trao tặng huy chương bạc tại Lễ hội bánh dân gian lần thứ 8 năm 2019.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>