Hết lòng với người nghèo

05/07/2017 | 09:06 GMT+7

Giúp đỡ, chia sẻ khó khăn và luôn động viên nhiều gia đình nghèo khó, những mảnh đời bất hạnh, tật nguyền vươn lên... là việc làm khơi lòng thiện của vợ chồng ông Bùi Công Bạch, ở ấp Long Bình 1, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ.

Vợ chồng ông Hai Bạch nấu cơm từ thiện.

Đến nhà ông Bạch vào buổi trưa, lúc này trong nhà chỉ có chị Lê Thị Ngọc Bích, con dâu út của ông bà. Chị Bích cho biết: “Giờ này, cha mẹ ít có ở nhà lắm. Em qua trại hòm coi có không, nếu không thì chắc cha mẹ qua Tổ cơm, cháo, nước sôi miễn phí Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ rồi. Cha mẹ đi suốt hà, có ở nhà bao nhiêu đâu”.

Theo lời chị Bích, chúng tôi qua tổ cơm, cháo, nước sôi thì gặp ông bà. Hai người nói rằng, thời gian ở chỗ làm từ thiện còn nhiều hơn ở nhà. Lúc này, vợ chồng ông Bạch đang cùng các thành viên của tổ cấp phát cơm cho người bệnh và thân nhân của họ. Tổ được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2004 xuất phát từ ý tưởng của ông Hai Bạch. Và ông cũng đảm nhận nhiệm vụ Trưởng ban điều hành của tổ. Ông Hai Bạch chia sẻ: “Lúc trước, vợ chồng tôi đi nấu cơm từ thiện ở Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Cần Thơ. Tôi thấy đây là mô hình ý nghĩa, nên đã vận động sự chung tay đóng góp của mọi người để thành lập tổ cơm, cháo, nước sôi miễn phí ở địa phương, nhằm giúp đỡ nhiều người nghèo, những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. Lúc đầu, cơ sở vật chất chẳng có gì, nguồn nhân lực cũng rất khiêm tốn…”.

Nhớ những ngày đầu, việc vận động gạo, rau củ quả, cũng như nhu yếu phẩm để tổ hoạt động là chuyện không đơn giản, bởi mọi người chưa biết về mô hình cũng như chưa tin tưởng vợ chồng ông. Bà Hồ Thị Hen, vợ ông Hai Bạch kể: “Nhớ lần đó, 5 giờ chiều rồi, mấy anh chị em trong tổ cơm, cháo, nước sôi miễn phí chạy lại nhà tôi nói chỉ còn 5 lít gạo, lo cơm, cháo ngày mai sẽ không đủ phát. Nghe vậy, tôi liền kêu ổng bưng mấy chục bao lúa xuống chẹt đi chà gạo, để mai còn có gạo mà nấu”. Chính tấm lòng nhân ái của vợ chồng ông Hai Bạch là chất men khơi dậy phong trào tương trợ, giúp đỡ nhau. Từ đó, ngày càng có nhiều nhà hảo tâm cùng tham gia xây dựng tổ cơm, cháo, nước sôi miễn phí. Tuy những bữa ăn đạm bạc chỉ với canh, rau, tương, cháo, tàu hủ… nhưng chan chứa tình nghĩa và thực sự đã giúp nhiều bệnh nhân nghèo, khó khăn, đơn chiếc…

Nhờ có ông bà và các thành viên của tổ cơm, cháo, nước sôi miễn phí nên những bệnh nhân nghèo vơi bớt được chút lo toan và đỡ phần vất vả với miếng ăn, thức uống hàng ngày. Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Vợ chồng anh chị Hai Bạch rất tốt bụng, giàu lòng thương người, sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ sự đóng góp của anh chị mà nhiều người nghèo đã phần nào vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.

Không chỉ tích cực vận động, để Tổ cơm, cháo, nước sôi miễn phí Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ hoạt động, đến nay ông Hai Bạch và vợ vẫn tham gia nấu cơm cho Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Cần Thơ. Ngoài ra, ông còn đóng hòm từ thiện. Ông Hai Bạch bày tỏ: “Con người không ai tránh khỏi quy luật của tạo hóa là “sinh - lão - bệnh - tử”. Nhiều năm qua, tôi luôn ray rứt khi chứng kiến cảnh gia đình nghèo khi có người chết phải tất bật chạy đầu này, đầu kia để xin chiếc quan tài. Vì vậy, suốt 12 năm nay, một mình tôi đứng ra làm cái chuyện không giống ai là đóng quan tài không công cho những người cần giúp”. Để có được những chiếc quan tài cho người đến xin, ông Hai Bạch đã không ngại khó, ngại khổ, lặn lội khắp nơi trong vùng để chọn mua loại gỗ tốt về ngâm dưới nước. Trong nhà của ông lúc nào cũng có vài mét khối gỗ, sẵn sàng cho việc đóng quan tài. Cảm phục trước tấm lòng của ông, nhiều người cũng ủng hộ gỗ, để cùng ông làm việc thiện. “Khi tham gia những hoạt động từ thiện, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, xã hội còn có rất nhiều hoàn cảnh cần giúp đỡ. Nếu mình có điều kiện thì cứ giúp đỡ họ”, ông Hai Bạch bày tỏ.

Điều đáng mừng là 5 người con đều ủng hộ hoạt động từ thiện của ông bà. Đây càng là động lực thôi thúc ông bà tiếp tục với hoạt động giàu tính nhân đạo này. Bà Hen chia sẻ: “Khi gặp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có điều gì đó thôi thúc tôi ra sức giúp đỡ họ trong khả năng của mình. Khi giúp được người khác, tôi thấy mình rất hạnh phúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục gắn bó với công việc này, đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa thì mới nghỉ”.

Ghi nhận những đóng góp của ông bà, các ngành, các cấp đã trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen, nhưng với ông bà sự khen thưởng lớn nhất là thấy được nụ cười những người khốn khó khi nhận những phần cơm, suất cháo nghĩa tình, cùng sự đóng góp của mạnh thường quân xa gần!

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>