Hiệu quả từ ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm

05/07/2017 | 07:05 GMT+7

Sau hơn 4 tháng triển khai hoạt động ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, huyện Châu Thành đã đạt được những kết quả bước đầu, khi giảm phần nào mối lo về mất “an toàn thực phẩm” đối với người tiêu dùng.

Vợ chồng ông Liêm là một trong những hộ dân đã ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm của xã Đông Phước.

Chương trình ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện đã được thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có sự vào cuộc của Đảng, chính quyền và người dân ở đây, mang lại luồng gió mới, dần củng cố niềm tin của người tiêu dùng.

Những con số ấn tượng

Trong vườn rau nhỏ của gia đình, vợ chồng ông Lê Thanh Liêm và bà Đoàn Thị Lắm, ở xã Đông Phước, đang chăm chút nhổ từng cây cỏ. Tự tin khoe về rau nhà mình, bà Lắm khẳng định: “Rau mình trồng mình mạnh dạn đảm bảo với bà con là an toàn. Vợ chồng tôi được hướng dẫn kỹ thuật và các quy định về sản xuất rau an toàn cho người ăn. Nhờ che lưới ở trên này mà đỡ được phân thuốc rất nhiều”.

Gia đình ông Liêm trồng rau và tự mang ra chợ ngồi bán lẻ. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình nên ông cũng ý thức được giữ uy tín, chất lượng. Khi được vận động ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, ông đồng tình. Ông Liêm chia sẻ: “Trước giờ, tôi cũng trồng rau, mà năm nay mới lần đầu tiên ký cam kết như vầy. Đã ký cam kết mình thấy trách nhiệm hơn, nó cũng nhắc nhở mình phải làm đúng theo quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Tôi tuân thủ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc, đúng cách và tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc theo hướng dẫn. Làm không đúng chẳng khác gì mình đầu độc bà con”.

Cũng nghĩ như ông Liêm, ông Trương Tấn Cảnh, chủ quán ăn, giải khát Ngã Sáu, ở thị trấn Ngã Sáu, nói: “Sau khi ký cam kết, khi chọn mua nguyên liệu chế biến như thịt, rau cải,… mình phải lưu ý nguồn gốc. Chúng tôi chọn mua ở những sạp bán có uy tín và mua cố định một người bán. Quán cũng thực hiện đúng các quy định về khám sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho nhân viên, giữ vệ sinh khu chế biến,…”.

Ông Liêm và ông Cảnh là hai trong số hàng nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, hộ gia đình chăn nuôi, trồng trọt, người bán thức ăn đường phố,… đã thực hiện việc ký cam kết 4 tháng qua.

Đến thời điểm này, các mục tiêu đề ra của kế hoạch ký cam kết năm 2017 của huyện đã hoàn thành và một số lĩnh vực đã thực hiện ký cam kết đạt 100% cơ sở, như: Lĩnh vực y tế, công thương. Riêng lĩnh vực do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện quản lý về thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật, đã có 63/63 hộ nuôi thủy sản ký cam kết, đạt 100%; lĩnh vực thú y đã có 350/413 cơ sở, hộ dân ký cam kết, đạt gần 85%; lĩnh vực bảo vệ thực vật có trên 5.550 cơ sở, hộ dân ký cam kết, đạt 46,97%.

Tiếp tục nỗ lực

Ông Nguyễn Văn Trương, Phó phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “Tổng số cơ sở, hộ dân đã ký cam kết thuộc ngành quản lý là gần 6.000, đạt trên 53%, trong khi chỉ tiêu đề ra của huyện năm 2017 đạt 50% (chỉ tiêu của tỉnh là 40%). Theo lộ trình đến năm 2020 sẽ đạt 90% thật sự không phải dễ”. Như lời ông Trương, dù kết quả phấn khởi, tuy nhiên vẫn còn không ít hộ trồng màu, chăn nuôi nhỏ lẻ chưa ký cam kết. Từ việc ký cam kết đến việc thực hiện theo cam kết đã ký cần đánh giá cụ thể. Để phát huy hiệu quả tờ cam kết cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và các cơ sở về vấn đề an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát và hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi, trồng trọt.

Mặc dù quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc chống lại thực phẩm không an toàn, nhưng điều kiện hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thiện, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật xã Đông Phước, cho biết: “Tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, ký cam kết đã thực hiện cơ bản, nhưng vấn đề giám sát quá trình nuôi, trồng của hộ dân còn khó. Có quá nhiều hộ dân, nhưng lực lượng cán bộ kỹ thuật ít, không giám sát xuể”. Một số giải pháp giám sát đã được tổ kỹ thuật đề ra, chẳng hạn nhờ hai hộ dân kế bên giúp giám sát nhưng mỗi nhà mỗi việc cũng không thể giám sát thường xuyên. Có vận động hộ dân mua tập để quản lý trong nuôi trồng nhưng chỉ bước đầu chưa nhiều hộ thực hiện. “Trước mắt, mình vận động từng bước để người dân hiểu và làm. Dần dần có ý thức sẽ có kết quả tốt hơn”, ông Thiện tiếp lời.

Đối với những cơ sở có đăng ký kinh doanh thì sẽ dễ thực hiện ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, còn các cơ sở bán hàng rong, thức ăn đường phố thì rất khó quản lý. Ông Huỳnh Thanh Tiền, Phó trưởng phòng Phòng Y tế  huyện, cho biết: “Trong tổng số 214 cơ sở bán thức ăn đường phố đã ký cam kết, hiện nay cũng khó biết được ai còn bán, ai không còn bán. Những người mới ra bán cũng khó nắm được, loại hình này thường xuyên thay đổi theo mùa là thách thức trong công tác quản lý. Việc lưu mẫu hiện nay để khi có ngộ độc mới kiểm nghiệm là chỉ giải quyết hậu quả chứ chưa ngăn chặn từ gốc”.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>