58 NĂM THẢM HỌA DA CAM Ở VIỆT NAM (1961-2019)

Khắc phục hậu quả chất độc hóa học ở Hậu Giang

06/08/2019 | 10:48 GMT+7

Hậu quả cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam 58 năm qua vẫn còn những tác hại to lớn, lâu dài đối với đất nước ta. Tác hại của chất độc da cam (CĐDC) hay còn gọi là dioxin đối với sức khỏe con người có thể còn kéo dài qua nhiều thế hệ. Cả nước, trong đó có Hậu Giang đã, đang cố gắng từng ngày khắc phục hậu quả này.

Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Hậu Giang phối hợp nhà tài trợ, hỗ trợ nhà tình thương cho nạn nhân CĐDC.

Ảnh hưởng nặng nề đến con người, môi trường sinh thái

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong, mà còn sử dụng cả chất độc hóa học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của Nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của lực lượng vũ trang cách mạng.

Chất độc dioxin đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, rất nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên, gây nên nhiều thảm cảnh, hàng trăm ngàn nạn nhân đã qua đời, hàng trăm ngàn người đang phải sống trong bệnh tật nghèo khó và cả những con cháu các nạn nhân bị liệt hoàn toàn hoặc liệt một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, tai biến sinh sản, di dạng, dị tật bẩm sinh… do di chứng của CĐDC gây ra.

Trong tỉnh Hậu Giang, sau khi khảo sát việc thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại các huyện, thị, thành phố, đối tượng nghi bị nhiễm CĐDC/dioxin đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, người khuyết tật là 12.704 người. Có thể nói nạn nhân CĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Giải quyết hậu quả da cam - Cộng đồng góp sức

Giải quyết hậu quả CĐDC, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vừa là vấn đề xã hội nhân đạo đối với nhân dân ở những vùng bị ảnh hưởng CĐDC, vừa là vấn đề chính trị và ngoại giao.

Những năm qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh và các cấp hội trong tỉnh đã vận động trên 1.000 lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có lòng hảo tâm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Giá trị tiền, hiện vật có số lượng lớn, quy thành tiền trên 50 tỉ đồng. Từ nguồn kinh phí vận động này, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp đã xây dựng và sửa chữa nhà tình thương được 113 căn; hỗ trợ 761 suất học bổng, 37.000 quyển tập, 200 cặp học sinh; tặng 58 chiếc xe đạp; 237 chiếc xe lăn, 29 chiếc xe lắc. Hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi và trợ cấp khó khăn cho 425 người. Khám bệnh cấp thuốc miễn phí, mổ mắt đục thủy tinh thể: 23.626 lượt người. Thăm hỏi tặng quà trên 130.000 phần…

Tỉnh cũng đã thực hiện chính sách ưu đãi người có công cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ được trên 500 người, 100% nạn nhân CĐDC được cấp thẻ BHYT và giới thiệu nhiều trường hợp qua giám định y khoa để được xét trợ cấp tiếp.

Hội Nạn nhân CĐDC các cấp trong tỉnh Hậu Giang kịp thời phản ảnh thông tin về nạn nhân CĐDC, góp phần cho Trung ương Hội bổ sung tư liệu làm căn cứ cho vụ kiện, ủng hộ về vụ kiện của các nạn nhân CĐDC đối với các công ty hóa chất của Mỹ đã sản xuất và cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Kỷ niệm 58 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam, gắn với các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, là dịp thêm một lần nữa để khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành lại độc lập thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam.

Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh thiết tha kêu gọi và mong đợi, hoan nghênh những tình cảm, những hành động hưởng ứng nhiệt tình của các cấp lãnh đạo, mọi tổ chức, mọi cá nhân trong tỉnh, ngoài tỉnh “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm”, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Ngày 25-6-2004, đại diện 32 tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, họp Hội nghị “Vì các nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam”, nhất trí đề nghị lấy ngày 10-8 hàng năm là ngày cả nước hoạt động vì nạn nhân CĐDC Việt Nam.

 

THƯỜNG TRỰC HỘI NẠN NHÂN CĐDC/DIOXIN TỈNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>