Khi lãnh đạo tỉnh và hộ nghèo gặp nhau

09/06/2020 | 17:39 GMT+7

Hậu Giang từng là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo đứng nhất nhì đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nay đã trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo. Nói đến nguyên nhân thì nhiều và trong đó phải kể đến sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với hộ nghèo.

Người dân bày tỏ ý kiến tại buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh.

Khi lãnh đạo cao nhất của tỉnh đi gặp gỡ trực tiếp hộ nghèo, không phải đơn thuần chỉ là chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương giải quyết nguồn vốn, sinh kế, mà đó chính là buổi lắng nghe tiếng dân, lắng nghe lòng dân, là để trải lòng với dân, để thấu hiểu điều dân cần, dân muốn!

Lắng nghe tiếng dân, tâm tư từ người dân nghèo

Mới đây, cả Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với hộ nghèo ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, một trong những địa phương còn tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh. Mở đầu buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng chân tình: “Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh, huyện hiểu thêm về tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, những vấn đề mà người dân còn gặp khó khăn cũng như những đề xuất về giải pháp giúp bà con thoát nghèo. Do đó, rất muốn nghe nhiều ý kiến trực tiếp của bà con…”.

Sự gợi ý này của Bí thư Tỉnh ủy đã khơi thông nỗi lòng của người dân, từ đó, nhiều ý kiến đã được nêu lên. Sự thẳng thắn, dân chủ đã được thể hiện đầy đủ từ gợi ý chân tình đó… Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, ở ấp 2 nhận “trọng trách” mà nhiều hộ dân trong xóm gửi gắm là phản ánh ở ấp còn 2 tuyến lộ đất, nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là các cháu học sinh. Ấp 2 có 46 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo. Trong 46 hộ nghèo, có 25 hộ không có đất ruộng, chỉ đi làm thuê để lo cho cuộc sống. Còn 21 hộ còn lại cũng chỉ có một vài công đất, làm không đủ ăn. Cho nên người dân mong Nhà nước, các cấp chính quyền tạo cơ sở việc làm ở khu vực gần nhất, để số lao động không có đất ruộng canh tác tham gia lao động phục vụ cuộc sống. “Nếu được Nhà nước đầu tư đường, nhà ở, tạo việc làm cho lao động thì chúng tôi mừng biết chừng nào”, bà Vân bộc bạch.

Còn bà Lê Thị Thu Nga, ở ấp Hòa Đức thì mong mỏi được hỗ trợ căn nhà, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mẹ của bà đã 90 tuổi bị bệnh tai biến nằm một chỗ, còn chị của bà đã 69 tuổi không thể đi làm, mọi thu nhập trong gia đình đều phụ thuộc vào công việc làm thuê, làm mướn của bà…

Được gặp gỡ, bày tỏ những khó khăn, cũng như đề xuất những giải pháp, cách làm để lãnh đạo tỉnh xem xét nhằm giúp người dân thoát nghèo là mong ước của người dân. Chưa được 13 giờ mà 280 hộ nghèo của xã Hòa An đã nôn nao tập trung đông đủ. “Bà con luôn mong mỏi được gặp lãnh đạo tỉnh như buổi hôm nay”, anh Lý Thành Tuấn, ở ấp Bàu Môn bày tỏ.

Hòa An là một trong những xã có đông hộ nghèo của huyện Phụng Hiệp, những năm qua dù tỉnh, huyện đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng, thực hiện các chính sách chăm lo người dân, tuy nhiên đời sống người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn 19,4%. Nên buổi gặp gỡ của lãnh đạo tỉnh được tổ chức đầu tiên trong năm nay tại địa phương này được đánh giá rất hợp lý.

Trân trọng, giải quyết thấu đáo những kiến nghị chính đáng của dân

Tỉ mẩn ghi chép đầy đủ ý kiến phát biểu của người dân tại buổi tiếp xúc, đối thoại hôm đó, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu đã phân loại các ý kiến và yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị giải trình và đề ra biện pháp giải quyết theo thẩm quyền.

Trước nhiều ý kiến đề nghị hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở, bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đã trực tiếp trả lời. Theo bà Xương, thực hiện phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh với UBND tỉnh về hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2020 chỉ tiêu xây dựng 400 căn (nhà được xây dựng với hình thức 3 chung. Cụ thể: người dân vay 25 triệu đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ cho mượn không tính lãi 15 triệu đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ không hoàn lại 10 triệu đồng). Nếu bà con nào muốn xây dựng nhà theo Quyết định 33, thì gặp chính quyền địa phương đăng ký.

Về ý kiến đầu tư nước sạch của người dân, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã giải thích rõ ràng: “Trong năm 2020 sẽ đầu tư nước sạch tại ấp 8, cung cấp nước khoảng 171 hộ dân. Riêng ấp Bàu Môn và ấp Xẻo Trâm, từ năm 2021 về sau sẽ đề nghị tỉnh bố trí vốn, để phục vụ nước sạch cho bà con”, ông Hùng cho biết.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp lần lượt trả lời những vấn đề người dân nêu ra thuộc thẩm quyền. Những ý kiến, thắc mắc, kiến nghị của người dân đã được giải đáp thấu đáo, khiến tất cả các hộ tham dự hội nghị đều hài lòng.

Người dân cảm nhận rõ trách nhiệm của lãnh đạo qua những câu trả lời rất thẳng thắn. Chính sự công khai, minh bạch làm nên sức thuyết phục, tạo ra một không khí lắng nghe, cầu thị và đầy trân trọng từ phía những người nói và cả những người chưa kịp đặt câu hỏi lần này.

“Đời sống của người dân còn rất khó khăn, đây là trách nhiệm mà lãnh đạo các cấp phải lo, phải xem cuộc sống người dân còn thiếu gì. Trong đó, phải rõ phần nào Nhà nước lo, phần nào người dân phải tự lực để thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Mấu chốt làm sao để bà con thoát nghèo, chứ không thể nghèo mãi được. Việc tiếp xúc, đối thoại lần này không có mục đích nào khác là giúp người dân thoát nghèo, nâng cao đời sống. Ngoài các chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, doanh nghiệp, tôi mong rằng hộ nghèo phải siêng năng, cần cù, suy nghĩ làm sao để thoát nghèo, nhằm giúp gia đình và con cháu có cuộc sống tốt hơn”, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng nhấn mạnh.

Buổi tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hộ nghèo xã Hòa An đã đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra. Ở đó, lãnh đạo các cấp và người dân đã có sự hài lòng qua buổi gặp gỡ. Lãnh đạo ghi nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn, chân tình của người dân, còn người dân hài lòng, ưng bụng vì ý kiến của họ được tôn trọng, được chỉ đạo giải quyết cụ thể.

Cũng cần nói thêm rằng, khi thành lập tỉnh vào năm 2004, Hậu Giang có điểm xuất phát thấp và là địa phương còn nghèo so với các tỉnh trong vùng, khi ấy tỷ lệ hộ nghèo gần 24%, đến nay qua rà soát hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, đầu năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 4,9%. Đó là thành quả từ sự phấn đấu, nỗ lực rất lớn của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng lòng của người dân trong tỉnh.

“Những gì đã hứa với bà con phải nhớ thực hiện”

 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu cho biết: “Sau 1 buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, ghi nhận 18 ý kiến phát biểu. Qua trả lời của các sở, ngành, với tư cách là người đứng đầu chính quyền, tôi thấy cơ bản đã trả lời tương đối đầy đủ, rõ ràng những vấn đề bà con quan tâm. Những câu trả lời là các giải pháp để giải quyết những nhu cầu của bà con và đó cũng là lời cam kết, nên sở, ngành đã hứa với bà con những gì thì phải nhớ và thực hiện nghiêm”.

 

Hai lãnh đạo cao nhất của tỉnh gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với hộ nghèo tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp

 

Ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, có buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với 280 hộ nghèo xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, vào cuối tuần qua.

 Tại buổi đối thoại, người dân được nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, trả lời kiến nghị của người dân được thu thập bằng phiếu từ ngày 17 đến ngày 24-3. Có trên 1.200 ý kiến, kiến nghị của người dân về các vấn đề về chính sách vay vốn phát triển kinh tế, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, buôn bán, học nghề, hỗ trợ nhà ở và các chế độ ưu đãi của Nhà nước... người dân cũng đã nêu trực tiếp 18 ý kiến xoay quanh việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở; xây dựng lộ giao thông nông thôn để đi lại dễ dàng; cung cấp nước sạch hợp vệ sinh; vay vốn... Xã Hòa An hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 19,4%.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng giao các sở, ban, ngành liên quan giải quyết và có báo cáo về Thường trực Tỉnh ủy trong tháng 9-2020.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>