Không để trẻ em vì nghèo mà không có bánh trung thu

30/09/2020 | 08:35 GMT+7

Cách đây trên dưới 20 năm, đó là những năm đời sinh viên ở Trường Đại học Cần Thơ, tôi thường đợi qua rằm tháng 8 mới mua bánh trung thu ăn, bánh lúc này rẻ hơn cao điểm.

4 năm học là 4 mùa trung thu tôi và thằng bạn chí thân chờ qua trung thu để mua bánh pía, bánh trung thu… đại hạ giá ăn. Nói được người ta đổ đống trên xe tải nhỏ, mở cửa sau, bán ở đường Trần Văn Hoài, 3 Tháng 2… của Cần Thơ hiện nay, trên xe có để bảng “ĐẠI HẠ GIÁ”.

Nói ăn bánh trung thu cho “lấy le” tên chứ thật ra bánh này lúc đó người khá giả, giàu có ở đây không ai mua nữa nên tiểu thương bán đổ bán tháo cho người nghèo mong lấy lại được mớ vốn vì lỡ “ôm” bánh cận rằm, không trả cho nhà sản xuất được.

Cái bánh trung thu hồi ấy cỡ lòng bàn tay trị giá 10.000 đồng, bánh pía nhỏ hơn cái chén chút 7.000 đồng, bằng 2-3 bữa cơm sinh viên. Năm nào cũng vậy, xe bánh đại hạ giá có khá nhiều người mua, bán năm ba bữa thì hết... Bọn tôi chở nhau trên chiếc xe đạp cùng ăn. Cần Thơ hồi đó không rộng lắm.

Bây giờ…

Hôm đi công tác về tối, thấy mẹ con chị H. chở nhau trên chiếc xe đạp về nhà. Đứa con đeo cái cặp ngồi sau ôm mẹ, xe lắc lư không vững vì trước ghi đông là 2 thùng cặn chị xin về nấu cho heo ăn.

Hỏi ra mới biết, nhà mẹ con chị ở ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, nhà nghèo, sáng chị H. đưa con đi học lớp 1 ở Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, phường IV, thành phố Vị Thanh, trưa rước về chỗ chị ở đợ cho con ăn, tá túc ở đó luôn rồi tối 8 giờ mẹ con về nhà.

Một chiếc xe gắn máy chợt chạy chậm rồi dừng lại phía trước, người ta ngoắc chị lại cho đứa bé 1 cây bánh pía loại 70.000-80.000 đồng, con chị mừng rơn, chị thì cảm ơn không ngớt lời vì biết con thèm bánh mà chưa mua được (hôm ấy khoảng ngày 5-8 âm lịch).

Chợt nhớ bánh đại hạ giá hồi đó… 

So sánh ngày ấy - bây giờ thật khập khiễng, nhưng bây giờ và ngày ấy cũng có những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Nhưng thiếu niên, nhi đồng Hậu Giang thiếu mùi vị trung thu từ khi thành lập tỉnh đến nay hầu như không có.

Còn nhớ Tết Trung thu đầu tiên sau khi Hậu Giang được thành lập do Tỉnh đoàn tổ chức lớn ở xã Tân Phước Hưng cũ, huyện Phụng Hiệp cũ. Đó là điểm của tỉnh, còn lại cấp huyện, xã đều tổ chức cho trẻ em. Tác nghiệp đêm, trên đường về, dưới mé kênh thấy rõ nhiều đám trẻ đua nhau thả đầy đèn trên thuyền giấy - hoa đăng sáng lóa nhiều vùng quê.

Cứ thế, năm nào cũng được Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức Đêm hội trăng rằm rình rang cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em, học sinh nghèo. Năm nay cũng vậy, các cấp bộ đoàn không ngừng phối hợp, kêu gọi hỗ trợ, không để trẻ em vì nghèo mà không có bánh trung thu… Nghe nói con chị H. cũng vừa mới được xét tặng bánh, lồng đèn, tham gia phá cỗ với anh chị cùng trường.

Tết trung thu là một phần ký ức của tuổi thơ, của nhiều người khi gần sát rằm tháng 8 hay qua những ngày ấy mới được bánh ăn…

Kinh tế phát triển, đời sống người dân Hậu Giang cũng có nhiều tiến bộ, nắm bắt được thị hiếu mà nhiều doanh nghiệp đưa về đây nhiều loại bánh đắt tiền. Mấy ngày nay, thấy nhiều xe ghé tiệm bánh trung thu mua; mua ít, mua nhiều đều có, họ máng trên xe, bỏ trong cốp để biếu, để cho họ hàng, gia đình thưởng thức bánh năm nay ngon, lạ như thế nào.

Mới ngày 12 tháng 8 âm lịch, khi hỏi một người rằng có bánh trung thu ăn chưa, họ ngập ngừng chút rồi nói bánh đó ngọt, ăn nóng trong người lắm nên không mua, nhưng thật sự họ giấu đi cái gì đó phía sau…

Thật sự mà nói, sự chăm lo của các cấp, các ngành, doanh nghiệp với những hoàn cảnh khó khăn để họ có trung thu với mọi người, dù bao nhiêu cũng chưa đủ, chưa đều, cũng có gia đình dịp này bánh ăn không hết… Xã hội mà, luôn có người cao người thấp, người lớn người nhỏ, người giàu người khó, người sang người hèn…

Nhưng một xã hội, một Hậu Giang không hẳn quá rạch ròi như vậy mà đã được kéo giảm rất nhiều, xích lại gần nhau rất sát khi các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và doanh nghiệp chung tay thực hiện rất hiệu quả các chủ trương “không để người dân vì nghèo mà không có tết”, “không để học sinh vì nghèo mà bỏ học” hay đã và đang tổ chức thực hiện không để trẻ em vì nghèo mà không có bánh trung thu. Tất cả nhằm thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo...

Trung thu này con chị H. có nhiều bánh trung thu, bánh pía, bánh in. Tôi thì không ăn bánh trung thu đại hạ giá nữa mà may mắn được nhà hảo tâm gửi gắm ít tiền “hùn hạp” với một vài nơi mua bánh trái cho những hoàn cảnh khó khăn.

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>