Lao động nữ phấn khởi với những quy định của Bộ luật Lao động năm 2019

11/06/2020 | 08:46 GMT+7

Lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn trong nguồn lao động, đặc biệt trong các ngành nghề như nuôi dạy trẻ, y tế, may mặc, chế biến thực phẩm... Tại Bộ luật Lao động năm 2019 có các quy định chi tiết về chính sách đối với lao động nữ được kỳ vọng góp phần thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.

Bộ luật Lao động năm 2019 có nhiều quy định có lợi cho lao động nữ.

Trong thời gian qua, vấn đề bình đẳng, không phân biệt đối xử dựa trên yếu tố giới là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Năm 2019, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động đã thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ trong việc thực hiện đồng thời chức năng lao động xã hội và chức năng sinh sản, nuôi con nhỏ. Những quy định đó đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã xác định, việc thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định trên không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người lao động, mà còn giúp ổn định và phát triển nguồn nhân lực để tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp bền vững.

Bộ luật Lao động năm 2019 có 17 chương và 220 điều. Trong đó, có một chương dành cho lao động nữ - chương X “Những quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới”. Chương này đã quy định cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng lao động, bảo vệ thai sản, quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai, bảo đảm việc làm cho lao động nghỉ thai sản…

Trước những quy định cụ thể này, lao động nữ rất phấn khởi. Chị Trần Thị Kim Yến, công nhân Công ty TNHH May mặc Phương Thảo (huyện Châu Thành A), đã dành  thời gian để tìm hiểu về Bộ luật Lao động lần này. Là nữ nên cũng như nhiều chị em khác, chị cũng phải thực hiện thiên chức làm mẹ. Do đó, chị rất đồng tình với những quy định của Bộ luật Lao động năm năm 2019. Theo chị Yến, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định rõ người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi… Đặc biệt, trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới. “Tôi thấy quy định này rất phù hợp, vì khi lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà bị chấm dứt hợp đồng lao động sẽ làm cho người lao động gặp khó khăn trong cuộc sống. Có thể thấy đây là một quy định rất hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định cho lao động nữ cũng như giúp lao động nữ có thu nhập để trang trải chi phí nuôi con nhỏ”, chị Yến chia sẻ.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa. Đây là quy định rất phù hợp, đầy tính nhân văn, vì trong các khoảng thời gian này nếu người phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi đi làm ban đêm hoặc đi công tác xa thì quá sức sẽ không đảm bảo được vấn đề sức khỏe.

Cũng ủng hộ những quy định dành cho lao động nữ theo Bộ luật Lao động năm 2919, chị Thái Thị Ngọc, công nhân Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Hậu Giang, cho biết: “Qua tìm hiểu tôi được biết, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định lao động nữ khi làm công việc nặng nhọc, độc hại có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai thông báo cho chủ doanh nghiệp biết thì sẽ được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc được giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương. Đây là quy định rất hợp lý ”.

Nhìn chung, với các quy định của pháp luật lao động về bảo vệ lao động nữ hiện nay là khá đầy đủ. Tuy nhiên, để các chính sách mới nêu trên thực sự đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ pháp luật lao động đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ. Đồng thời, lao động nữ cũng cần phải ý thức được tầm quan trọng của việc hiểu biết pháp luật lao động, một mặt để đóng góp xây dựng doanh nghiệp, mặt khác tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi bị xâm phạm.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>