Lo lắng với thiên tai bất thường

01/08/2018 | 08:13 GMT+7

Những ngày qua, thời tiết khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Hậu Giang diễn biến khá phức tạp. Mưa bão kèm theo giông lốc gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.

Nhà một hộ dân ở xã Hòa An bị giông lốc cuốn bay mái tôn vào ngày 11-7.

Theo thống kê từ đầu năm đến nay của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, giông lốc đã làm sập 60 căn nhà, tốc mái 80 căn. Trong đó, ảnh hưởng nặng nhất là huyện Phụng Hiệp với 23 căn nhà bị sập, 29 căn tốc mái. Ước tính thiệt hại do giông lốc gây ra từ đầu năm đến nay trên 1,8 tỉ đồng. Kể lại cơn giông lốc vào giữa tháng 7, anh Nguyễn Văn Út, ở ấp 5, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Toàn bộ mái tôn của ngôi nhà bị gió cuốn đi xa. Phải mất mấy ngày sau, gia đình mới sửa chữa xong phần mái nhà. Bây giờ, nhà cửa phải gia cố lại mới an tâm”.

Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, hiện tượng mưa kéo dài kèm theo giông còn gây ra thiệt hại trên sản xuất nông nghiệp. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 kết hợp với mưa lớn trên diện rộng gây ngập cục bộ ở một số địa phương làm thiệt hại diện tích lúa Hè thu và Thu đông năm 2018. Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ước tính có 838,9ha lúa Hè thu bị giảm năng suất từ 3-20% và ảnh hưởng 713,77ha lúa Thu đông mới gieo sạ. Ước tổng thiệt hại lúa Hè thu và Thu đông khoảng 1,6 tỉ đồng. Bà Huỳnh Thị Tiến, ở ấp 9A2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, than phiền: “Đợt mưa lớn vừa qua làm lúa của tôi bị ngập sâu. Lúa chết, gia đình phải giặm hơn 1 tuần mới xong. Vụ này chắc không trúng mùa vì sau mưa, chuột và ốc nhiều quá. Nhớ vụ này năm trước, tôi thu hoạch khá bởi sau sạ mưa ít, nhưng nay mới đầu vụ mà nặng chi phí bơm nước, phân thuốc”.

Còn anh Bùi Trường Giang, ở ấp 7A1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, lo lắng: “Nếu bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện tiếp sẽ làm ảnh hưởng năng suất lúa cuối vụ. Lúc mới gieo sạ, mưa cứ dập tới tấp, lúa non bị chuột, ốc cắn phá nhiều. Bây giờ, lúa của tôi được trên 25 ngày tuổi, sợ mưa bão liên tục kéo dài sẽ thiệt hại nhiều hơn”.

Bà Nguyễn Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, khuyến cáo: Đối với lúa Hè thu trong giai đoạn trổ chín bà con cần tranh thủ thu hoạch; trên diện tích lúa Thu đông đã xuống giống cần tham khảo lịch dự báo về rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Khi xuống giống cần chuẩn bị sẵn sàng về điều kiện canh tác; làm phẳng nền đất, đánh đường rãnh, chuẩn bị sẵn máy bơm để chủ động tháo nước nếu gặp mưa sau sạ. Cần sử dụng giống cấp xác nhận, hạt giống khỏe, tỷ lệ nảy mầm cao, sức sinh trưởng mạnh để gieo sạ. Bà con cần áp dụng biện pháp sạ thưa trong vụ này để hạn chế các vấn đề dịch bệnh. Lưu ý bón phân lân đầu vụ để rễ lúa phát triển, cứng cây, hạn chế đổ ngã, vệ sinh bờ ruộng để không làm nơi trú ẩn của chuột.

Thông tin từ Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, năm 2018 dự báo thời kỳ kết thúc mùa mưa vào khoảng giữa tháng 11, tổng lượng mưa trong mùa dao động từ 1.250 - 1.450mm, xấp xỉ trung bình nhiều năm. Mùa mưa 2018 xuất hiện mưa giông với cường độ lớn, cục bộ xảy ra nhiều nơi, đi kèm là các hiện tượng nguy hiểm như giông mạnh, lốc, sét vào thời kỳ chuyển mùa và các đợt hạn bà chằn cuối tháng 8, đầu tháng 9. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có thể thấp hơn trung bình nhiều năm. Cần đề phòng những cơn bão xuất hiện vào cuối mùa và phải đặc biệt chú ý đến sự bất quy luật của bão trong những năm gần đây. Theo dự báo sẽ có khoảng 2 đến 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến các tỉnh Nam bộ và Nam Trung bộ trong năm nay.

Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại đối với người dân trong tỉnh gần 5,3 tỉ đồng. Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: Để chủ động đối phó với các tình huống thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh như sạt lở, giông lốc, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để hỗ trợ Nhân dân phòng tránh kịp thời, có hiệu quả. Đồng thời kiểm tra, theo dõi các điểm xung yếu về sạt lở trên các tuyến sông, kênh để cắm biển cảnh báo. Khuyến cáo các hộ dân chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh tán lớn xung quanh nhà để đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Chính quyền địa phương khuyến cáo bà con thu hoạch lúa Hè thu sớm khi lúa trên đồng đã chín; kiểm tra hệ thống cống, đê, trạm bơm đảm bảo thoát nước. Xuống giống vụ Thu đông phải tuân thủ lịch thời vụ của ngành chức năng.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, sức gió của lốc mạnh tương đương sức gió của bão, hoạt động trong không gian hẹp từ vài km2 đến vài chục km2. Lốc có thể cuốn theo nhà cửa, cây cối... Khi xảy ra lốc, người dân nên tìm chỗ trú ẩn an toàn trong nhà, núp dưới một vật nặng và giữ chặt nó. Trường hợp bất ngờ gặp lốc xoáy, cần nhanh chóng tìm nơi đất trũng, thấp, nằm sát xuống đường, trú vào cống, hố; ngắt nguồn điện để tránh bị điện giật, hỏa hoạn, tắt, cắt tạm thời các thiết bị điện. Nơi an toàn nhất là tầng hầm hoặc tầng trệt của công trình kiến trúc bằng bê tông. Không nên đứng gần, trú tránh dưới cây to, nhà thô sơ, cột điện. Không đứng gần, thò đầu ra ngoài cửa sổ, cửa chính và tường ngoài của căn nhà, chú ý không được ở trên nóc nhà khi xảy ra lốc…

 

   Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>