Mỏi mòn chờ giá

21/07/2017 | 06:14 GMT+7

Chán nản, cắt cử cho ăn, mòn mỏi chờ giá, bỏ ao... là tình hình chung của không ít hộ nuôi cá thát lát, cá lóc trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây.

Không ít hộ nuôi cá thát lát trên địa bàn tỉnh “neo cá” để chờ giá lên.

Anh Quách Văn Hậu, ở khu vực 7, phường IV, thành phố Vị Thanh, cho biết những năm trước đây, so với một số phương thức làm ăn khác thì việc đào ao nuôi cá thát lát, cá rô, cá lóc… là một trong những cách làm có hiệu quả. Năm 2014, gia đình anh cũng bắt đầu thực hiện mô hình kinh tế kết hợp vườn - ao - chuồng trên 3 công đất vườn gần nhà, trong đó anh tận dụng diện tích mặt ao hơn 700m2 để thả nuôi gần 10.000 con cá thát lát, đến khi xuất bán với giá 60.000-70.000 đồng/kg, thu lãi trên 50 triệu đồng/vụ.

Cũng từ đó, sau mỗi đợt xuất bán cá, anh Hậu đều tái đầu tư và hầm cá được thả vào khoảng tháng 2-2016 đến nay (thả nuôi vụ thứ 3) đã quá lứa khá lâu nhưng chưa có thương lái đến mua, vì giá cá thát lát trên thị trường liên tục giảm. “Hiện ao cá của gia đình tôi dường như không có đầu ra, vì đến thời điểm hiện tại thương lái thu mua cá thát lát thương phẩm với giá thấp hơn giá thành khoảng 10.000 đồng/kg, thậm chí họ còn không đến coi mua, trong khi cá nuôi ngày một lớn, giá thức ăn ngày một tăng. Nếu bán được giá 35.000 đồng/kg thì tôi cũng lỗ gần 100 triệu đồng. Cứ đà này kéo dài thì tôi chỉ bán cá để làm chả, chứ cá tẩm gia vị thì đã vượt kích cỡ”, anh Hậu buồn bã cho hay.

Thời gian này, về lại các vùng nuôi cá trong tỉnh như huyện Long Mỹ, Châu Thành A, Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thủy diện tích nuôi cá thát lát của người dân ngày càng thu hẹp. Theo đó, tính đến 6 tháng đầu năm 2017, diện tích thả nuôi cá thát lát tỉnh nhà khoảng 33ha, tổng sản lượng ước đạt 1.570 tấn cá thương phẩm, bà con đang thu hoạch nhưng lợi nhuận không như mong đợi. Anh Lê Hùng Cường, ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, vừa xuất bán xong hầm cá thát lát, với diện tích khoảng  5.000m2. Anh Cường thông tin: “Tôi mới bán xong hầm cá thát lát khoảng 1 tháng nay, giá chỉ 33.000 đồng/kg, tính ra lỗ khoảng 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, lứa cá đợt này sản lượng được 60 tấn nên gia đình thâm vốn hơn 200 triệu đồng”.

Anh Cường cho rằng trong khi giá cá xuống thấp, việc kêu bán và cách thức bắt cá của các thương lái cũng lắm chiêu trò. Dễ thấy nhất là các thương lái bắt cá gián đoạn nên thời gian xuất bán hầm cá của anh kéo dài khoảng nửa tháng mới xong. “Bắt như vậy cá sẽ không ăn, ốm và sản lượng giảm đi rất nhiều, nhưng cá tới lứa là bán chứ càng neo càng lỗ. Tôi đang chuẩn bị máy để nạo vét hầm thả nuôi lại, mong rằng đợt sau giá cá sẽ tăng lên để người nuôi như chúng tôi gỡ vốn”, anh Cường kỳ vọng.

Sự kỳ vọng của anh Cường như là một dự báo cho cá thát lát Hậu Giang nức tiếng bấy lâu nay của tỉnh nhà sắp gần thoái trào. Bà Nguyễn Thị Hà (chủ quán ăn Tân Hậu Giang), ở thành phố Vị Thanh, cho biết: Thời gian gần đây, quán ăn của gia đình vẫn thu mua cá thát lát thương phẩm, trung bình bắt khoảng 200-300kg cá/ngày (khoảng 8 tấn/tháng). Tuy nhiên, chủ yếu bắt cá thát lát có kích cỡ khoảng 500gr/con làm món cá tẩm gia vị để bán và bỏ mối tại một số siêu thị nên sản lượng tiêu thụ trên thị trường không nhiều.

Theo các hộ nuôi cá tại địa phương, trong những năm gần đây, lĩnh vực phát triển ngành thủy sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng vẫn chưa phát triển mạnh. Điều đó, phần lớn do tác động từ yếu tố thị trường nên làm cho giá một số mặt hàng thủy sản lên xuống thất thường, trong đó cũng có những hộ nuôi cá lóc trong vèo. Ông Nguyễn Văn Hậu, ở ấp Hòa Quới B, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Từ Tết Nguyên đán 2017 đến nay, giá cá lóc nuôi dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg làm cho người nuôi không có lời. Bởi vì chi phí đầu tư con giống, tỷ lệ hao hụt và rủi ro do thời tiết chuyển mùa rất cao. Chúng tôi rất cần các ngành chức năng vào cuộc tìm hướng đi thiết thực, giúp người nuôi cá ổn định cuộc sống”.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, nhìn nhận: Những năm qua, so với một số lĩnh vực khác, nghề nuôi cá thâm canh trong ao đất và nuôi vèo kém ổn định. Nguyên nhân chính là do chịu tác động từ rào cản kỹ thuật và giá cả thị trường, vì vậy các hộ nuôi cá thiếu liên kết luôn chịu thiệt, thậm chí có người thua lỗ nặng. Để hạn chế rủi ro, trước tiên người dân cần thường xuyên theo sát thông tin thị trường để nuôi phù hợp. Sau đó, khi thả nuôi cần áp dụng kỹ thuật chặt chẽ từ khâu cải tạo ao nuôi đến việc lựa chọn con giống. Điều cần phải ưu tiên là nuôi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, khẳng định và giữ vững chất lượng sản phẩm. Đối với đơn vị sẽ cố gắng tìm cách làm cầu nối cho doanh nghiệp với người nuôi liên kết để ổn định đầu ra.

Bài, ảnh: CHÍ CÔNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>