Nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình

09/04/2019 | 09:04 GMT+7

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương, thời gian qua công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh đã được triển khai mạnh mẽ thông qua các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

Thời gian qua, các địa chỉ tin cậy, câu lạc bộ, mô hình phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh, đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức cho người dân.

Khi người dân đã biết chủ động

Những ngày này, có dịp đến thăm các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng trên địa bàn huyện Long Mỹ, chúng tôi mới cảm nhận hết những hiệu quả tích cực, mà thời gian qua các địa chỉ tin cậy đã mang lại cho người dân tại địa phương. Cũng nhờ được tuyên truyền cách phòng, chống BLGĐ kịp thời, đến nay, hầu như nhận thức của chị em phụ nữ nơi đây, đặc biệt là phụ nữ ở vùng nông thôn sâu, thuộc các xã đặc biệt khó khăn đã từng bước được nâng lên rõ rệt. Bà Phạm Ngọc Thoa, 39 tuổi, một trong những thành viên của địa chỉ tin cậy ở ấp 7, xã Xà Phiên, nói: “Từ khi tham gia vào địa chỉ tin cậy tại địa phương, tôi cũng như chị em nơi đây thấy được quyền lợi của mình được bảo vệ hơn. Nhiều chị em giờ đã mạnh dạn hơn trong việc chia sẻ tình trạng BLGĐ. Đặc biệt, khi bị bạo hành, chị em đã biết nên đến đâu để nhờ giải quyết”. Theo chia sẻ của bà Thoa, trước đây khi địa phương chưa thành lập các địa chỉ tin cậy, trên địa bàn cũng xảy ra một số trường hợp chồng nhậu say về đánh vợ. Do không được can ngăn kịp thời, nên dẫn đến hậu quả đáng tiếc ở một số gia đình.

Bên cạnh hiểu để chủ động phòng, chống BLGĐ hiện nay, nhiều chị em phụ nữ ở các địa phương cũng là một trong những tuyên truyền viên tích cực góp phần ngăn chặn các vụ BLGĐ. Chị Nguyễn Thị Thẩm Mỹ, hội viên phụ nữ ấp 6, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tâm sự: “Do địa phương là vùng nông thôn, một bộ phận chị em phụ nữ vẫn còn ngại chia sẻ, nên khi bị BLGĐ rất ít ai muốn nhờ hỗ trợ. Vì vậy, khi được tập huấn, trang bị kiến thức về phòng, chống BLGĐ, bản thân tôi và các chị em phụ nữ ở ấp, cũng tích cực tuyên truyền đến chị em ở địa phương, kể cả chị em phụ nữ không tham gia vào các cấp hội. Nhờ đó, hiện nhiều gia đình trên địa bàn, không chỉ người phụ nữ, mà đàn ông đã biết chia sẻ cùng vợ để xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc”.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Nhận thức rõ những hệ lụy nghiêm trọng của tình trạng BLGĐ, thời gian qua, ngành lao động - thương binh và xã hội, cũng đã phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp thành lập được các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng để kịp thời tư vấn, hỗ trợ cho các trường hợp bị bạo hành. Bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Đa phần địa chỉ tin cậy được thành lập ở địa phương, chủ yếu là mượn nhà của người dân để hỗ trợ, nên cũng còn gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, để góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn, chúng tôi và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam của địa phương, cũng đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới... Với những kết quả đạt được, hiện chúng tôi cũng dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp nhân rộng thêm địa chỉ tin cậy ở cộng đồng ở một số xã, thị trấn trên địa bàn, đặc biệt là ở các xã đang xây dựng nông thôn mới”. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền hiện nay, công tác phòng, chống BLGĐ cũng đã được tập trung quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp tích cực như: tập huấn, tọa đàm, tổ chức hội thi…

Với mục tiêu hướng đến xây dựng gia đình tiến bộ hạnh phúc, thời gian qua, các địa chỉ tin cậy, câu lạc bộ, mô hình phòng, chống BLGĐ ở các địa phương cũng thu hút được nhiều thành viên tham gia. Bà Nguyễn Thị Kiều Như, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Dù là vùng nông thôn, nhưng thời gian qua, toàn huyện có 61 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng được thành lập tại các ấp, khu vực thuộc 10 xã, thị trấn. Bên cạnh đó, địa phương cũng thành lập được 20 câu lạc bộ, mô hình phòng, chống BLGĐ. Thời gian qua, đối với những trường hợp xảy ra bạo lực trên địa bàn, chúng tôi cũng đã tổ chức tọa đàm gặp gỡ gia đình, tư vấn riêng cho từng cặp vợ chồng hoặc cho các thành viên ở địa chỉ tin cậy đến tận nhà để tư vấn. Nhờ đó, đến nay nhận thức về phòng, chống BLGĐ của người dân trên địa bàn đã có nhiều thay đổi rõ rệt”. Được biết, thông thường, hiện nay tình trạng BLGĐ xảy ra chủ yếu là bạo lực tinh thần, đôi khi vì kinh tế khó khăn cũng dẫn đến vợ chồng cãi vã. Cũng nhờ các thành viên tích cực tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, cũng như kịp thời hỗ trợ hòa giải, đã góp phần xây dựng, củng cố nền tảng gia đình phát triển bền vững và giữ vững an ninh trật tự cho địa phương. 

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có 157 câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ với 2.913 thành viên tham gia, 275 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 1 địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng. Thời gian qua, các câu lạc bộ, địa chỉ tin cậy đã tư vấn và hỗ trợ được cho khoảng 108 trường hợp bị BLGĐ qua đây, đã giúp cho các địa phương giảm bớt được phần nào  tình trạng BLGĐ.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>