Nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy

04/10/2018 | 09:15 GMT+7

Cháy, nổ xảy ra để lại hậu quả hết sức khó lường. Để không xảy ra cháy, nổ, thời gian qua, ngành chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức người dân trong công tác này.

Cán bộ thị trấn Nàng Mau (bìa phải), huyện Vị Thủy,  tuyên truyền hộ kinh doanh chấp hành tốt quy định về PCCC.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy, nổ, thiệt hại tài sản trên 260 triệu đồng, so cùng kỳ năm 2017 tăng 1 vụ, nhưng giảm thiệt hại về tài sản gần 800 triệu đồng.

Những bài học

Khoảng cuối năm 2017, người dân ở khu vực 2, phường IV, thành phố Vị Thanh, nghe tiếng nổ lớn tại nhà ông Nguyễn Văn Công, sau đó phát hiện cháy nhưng cửa đóng kín. Để hạn chế cháy lan, cháy lớn, người dân báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến ứng cứu. Sau đó, lửa được dập tắt.

Hay khoảng 15 giờ 30 phút ngày 21-4, nhiều người phát hiện căn nhà chứa rơm của ông Nguyễn Văn Quyền, ở khu vực 3, phường IV, thành phố Vị Thanh, phát cháy. Sau đó, nhiều người cùng nhau dập tắt lửa…

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh, nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, nổ trên là do người dân chủ quan, ý thức PCCC còn hạn chế hoặc không thực hiện đúng các quy định như ra khỏi nhà phải ngắt nguồn điện, không thường xuyên kiểm tra thiết bị điện tại gia đình…

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về tuyên truyền, kiểm tra, ngành chức năng cũng phát hiện có một bộ phận gia đình chưa ý thức hết nguy cơ, tác hại của cháy, nổ…

Đại tá Huỳnh Văn Điều, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, cho biết thêm: “Chúng tôi còn phát hiện một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là cơ sở gia công gỗ, xưởng mộc gia dụng, nhà xưởng kinh doanh kết hợp nhà ở chưa chấp hành triệt để quy định về PCCC. Do đó, nếu xảy ra cháy, nổ thì sẽ thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản”.

Chủ động hơn

Số vụ cháy, nổ trên địa bàn tỉnh tăng nhưng thiệt hại tài sản giảm là do ý thức của người dân, doanh nghiệp nâng lên. Người dân nắm được kiến thức cơ bản về cháy, nổ và các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ tài sản kịp thời khi có cháy xảy ra.

Kinh doanh cửa sắt, nhôm và thường xuyên hàn, tiện gần 10 năm qua nên anh Nguyễn Bá Láng, ở ấp 2, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, rất để tâm đến cháy, nổ. Khi làm việc, anh trang bị dụng cụ để ngăn tia lửa điện bắn sang các vật xung quanh; sắp xếp vật dễ cháy, nổ xa nơi hàn, tiện; kiểm tra các thiết bị điện xem có hư hỏng không để thay thế.

Hàng năm, anh Láng còn tham gia lớp tập huấn về PCCC; trang bị bình chữa cháy tại cơ sở… Cơ sở có 4 công nhân, anh thường xuyên chỉ họ cách sử dụng bình chữa cháy, cẩn thận khi sử dụng nguồn điện, nhiệt… Anh Láng cho biết: “Xem báo, đài thấy tình hình cháy, nổ trong nước xảy ra dữ quá nên mình phải cẩn thận từ việc nhỏ mới an toàn”.

Ý thức của người dân nông thôn về PCCC cũng được nâng lên. Nhiều người đã chủ động mua bình chữa cháy đặt tại nhà; thường xuyên kiểm tra nguồn điện, nhiệt; kiểm tra van gas sau khi sử dụng, trước khi ngủ; hạn chế câu móc điện…

Đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tổ chức trên 40 lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở và các cơ sở kinh doanh có điều kiện; củng cố gần 20 đội dân phòng, 25 đội PCCC cơ sở. Kết hợp với công an cấp huyện tổ chức kiểm tra kỹ thuật an toàn PCCC cho 410 lượt cơ quan nhà nước, 1.530 lượt cơ sở tư nhân, 120 lượt chợ, 5 lượt siêu thị, 150 lượt trường học. Qua đó, góp phần cảnh báo mọi người đề phòng hỏa hoạn trong việc sử dụng lửa, điện…

Phòng cháy hơn chữa cháy. Nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ và các thiệt hại về tài sản cũng như tính mạng con người, vấn đề đầu tiên trong toàn dân là phải không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành nghiêm các quy định an toàn về PCCC.

“Chúng tôi sẽ tăng cường nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền, đồng thời kiểm tra ở doanh nghiệp, chợ, cơ quan, trường học, nhằm nâng cao ý thức việc chấp hành quy định về PCCC của người dân; sẽ xử lý những trường hợp nào cố tình vi phạm”, đại tá Huỳnh Văn Điều nhấn mạnh.

Ngày 4-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy.

Đến ngày 4-6-1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 4-10 hằng năm là Ngày Toàn dân phòng cháy và chữa cháy.

Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an xây dựng, đề xuất, được Quốc hội khóa X, Kỳ họp thứ 9 thông qua Luật Phòng cháy và chữa cháy, có hiệu lực thi hành từ ngày 4-10-2001.

 

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>