Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội: Nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu trọng tâm

24/11/2017 | 08:21 GMT+7

Ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đã có một năm nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu trọng tâm của ngành, điển hình như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chăm lo gia đình chính sách... góp phần vào công tác chăm lo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Lớp dạy nghề may công nghiệp ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A.

Điểm nhấn đào tạo nghề

Học nghề rồi được giới thiệu việc làm ở gần nhà là niềm vui mừng khôn tả với chị Diệp Thị Trinh, ở ấp Nhơn Ninh, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, bởi từ nay chị đã có thể chia sẻ gánh nặng kinh tế cùng chồng. Được biết, chị Trinh học nghề may công nghiệp tại địa phương. Sau khi hoàn thành khóa học, chị và các học viên khác đã được giới thiệu vào Công ty TNHH Lạc Tỷ II làm. Chị Trinh bộc bạch: “Có việc làm, thu nhập ổn định tui mừng lắm. Dẫu thu nhập không cao bằng so với đi làm ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng bù lại được làm gần nhà, có thời gian chăm sóc con cái, chăm lo nhà cửa”.

Chị Trinh chỉ là một trong số hàng ngàn lao động trên địa bàn tỉnh được học nghề gắn với giải quyết việc làm. Theo đánh giá của ngành chức năng và người lao động, cách làm này đã mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho một bộ phận người dân. Ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nhấn mạnh: “Trong năm 2017, tỉnh chỉ ưu tiên mở những lớp đào tạo nghề khi đã biết địa chỉ đầu ra hoặc doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”.

Được biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã khai giảng 135 lớp đào tạo nghề. Trong đó, có 46 lớp nghề nông nghiệp và 89 lớp nghề phi nông nghiệp. Đặc biệt, trong năm nay, tỉnh đã ký hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp để tạo việc làm cho người lao động sau học nghề như Công ty May Nhật Thành, Công ty TNHH Lạc Tỷ II, Hợp tác xã Thanh Tú, Hợp tác xã Kim Ngân, Doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt... Việc ký kết với các doanh nghiệp không chỉ giúp người lao động yên tâm học nghề, bởi có được việc làm và thu nhập ổn định, mà đây còn là một trong những kênh giảm nghèo hiệu quả. Ông Hồ Văn Út, Chủ nhiệm Hợp tác xã Kim Ngân, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi phối hợp với các ngành liên quan và địa phương khai giảng 21 lớp đào tạo nghề đan lục bình cho lao động nông thôn. Sau khi khóa học kết thúc, sản phẩm của học viên sẽ được hợp tác xã thu mua. Hiện nay, chúng tôi đã ký hợp đồng với nhiều công ty, doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Long An, tỉnh Bình Dương để cung ứng sản phẩm. Do đó, sản phẩm được tiêu thụ quanh năm, không lo ngại vấn đề tồn đọng”.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là hướng đi đúng đắn, không chỉ giúp người lao động có được việc làm, mà còn giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của công việc. Với hiệu quả thiết thực, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cách làm này, nhằm giúp công tác đào tạo nghề ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Bên cạnh công tác đào tạo nghề, một trong những mục tiêu trọng tâm mà ngành LĐ-TB&XH hướng đến là thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công với cách mạng, hộ nghèo, những đối tượng yếu thế…

Quan tâm công tác an sinh xã hội

Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi dành cho gia đình chính sách, đồng thời, đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc người có công với cách mạng. Năm 2017 này, gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Sang, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, được hỗ trợ sửa chữa căn nhà tình nghĩa, do đó, mẹ rất vui mừng, phấn khởi. Hoàn cảnh gia đình mẹ Sang cũng khó khăn, vì vậy, căn nhà tình nghĩa được Nhà nước hỗ trợ cất năm 2011 đã xuống cấp, nhưng mẹ không có khả năng sửa chữa lại. Nay được hỗ trợ sửa chữa, mẹ không còn lo sợ mỗi khi trời mưa gió, mẹ thấy rất vui. “Chiến tranh đã cướp mất chồng và con trai của mẹ, trong cuộc sống hôm nay, mẹ được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo mẹ thấy ấm lòng lắm”, mẹ Sang bộc bạch.

Song song với công tác chăm lo nhà ở cho gia đình chính sách, ngành LĐ-TB&XH còn làm tốt công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng cho người có công. Ngoài ra, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi như điều dưỡng, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, đào tạo nghề, miễn giảm học phí cho con em gia đình chính sách… Ông Đào Ngọc Điền, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Thời gian qua, với tinh thần trách nhiệm, chúng tôi luôn thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Hoạt động này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người đã từng đóng góp công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước, mà còn góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ hôm nay”.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành còn làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo ông Phan Vũ Cường, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Thành A, toàn huyện có trên 22.200 trẻ em dưới 16 tuổi. Trong đó, có 539 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trên 1.500 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trên 2.600 trẻ em sống trong gia đình nghèo... Từ đầu năm đến nay, ngành đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Tết thiếu nhi, Tết Trung thu cho trẻ em... Ngoài ra, vận động sự hỗ trợ của các mạnh thường quân để trao tặng những phần quà đến các em thiếu nhi, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, góp phần chia sẻ, động viên các em cố gắng vươn lên trong học tập và trong cuộc sống.

Với những hoạt động thiết thực, ngành LĐ-TB&XH đã, đang và sẽ thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân về vật chất lẫn tinh thần. Từ đó, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và thực hiện thắng lợi Nghị quyết năm 2017 của Đảng bộ tỉnh Hậu Giang.

Theo Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho 16.534 lao động, đạt 110,2% kế hoạch năm. Trong đó, có 75 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 107,1% chỉ tiêu năm. Khai giảng 135 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 3.315 học viên tham gia. Tiếp nhận 2.591 hồ sơ các loại, qua đó, xét giải quyết 2.513 hồ sơ. Còn lại 103 hồ sơ đang tiếp tục xem xét, giải quyết.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>