Nghề bắt nhện hùm

02/07/2020 | 08:32 GMT+7

Vì miếng cơm manh áo mà anh Võ Chí Lâm, ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, sẵn sàng lao vào nghề nguy hiểm, bắt con nhện, con rết có nọc độc cao để bán lấy tiền.

Anh Lâm bắt nhện trên các tán cây.

Đồng hành cùng anh suốt chặng đường dài hơn 20km, dọc Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ) dưới cái nắng chói chang để bắt nhện mới thấy hết nỗi vất vả của nghề nguy hiểm này. Trên chiếc xe máy cũ bạc màu, anh chất lỉnh kỉnh những món đồ nghề như thùng xốp, cây bắt nhện, túi lưới, thức ăn, nước uống… Chiếc xe cứ chầm chậm lăn bánh, mắt anh thì không ngừng chăm chú vào những tán cây, bụi rậm tìm kiếm ổ mạng nhện.

Trong suốt cuộc hành trình từ thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, đến địa phận ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, anh bắt được khá nhiều nhện và một số ít rết. Tựa lưng vào góc cây nghỉ mát, lắc lắc cái túi đựng đầy nhện to bằng ngón tay, mình rằn ri đủ màu sắc trông đáng sợ, anh khoe: “Bấy nhiêu đây chắc cũng được gần 2kg, ráng quần thêm tí nữa rồi về”.

Sau tiếng thở dài như thấm mệt, anh Lâm nói với tôi bắt nhện là nghề bất đắc dĩ, không phải là nghề chính của anh. Anh vốn gốc nông dân, nhưng cuộc sống gia đình kinh tế khó khăn, hơn 10 năm qua, anh theo nhóm bạn lên tỉnh Bình Dương làm công việc phụ hồ. Và rồi một ngày trên công trình xây dựng, anh đang điều khiển cối máy trộn hồ do bất cẩn anh bị điện giật cháy hết mấy ngón tay. Sức lao động bị giảm sút không trụ được với việc làm hồ, nhưng may là có người chỉ dẫn anh nghề bắt nhện, bắt rết bán cho những người chuyên đi câu cá, hay ở những khu du lịch sinh thái có hồ cá nuôi để họ làm mồi câu cá phục vụ khách tham quan. Một ký nhện sống anh bán được giá từ 500.000-600.000 đồng, còn rết thì giá đắt đỏ hơn một ít, bởi rết vùng đồng ruộng con nhỏ hơn rết vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm với nghề bắt rết, bắt nhện, anh Lâm cho biết con rết thường sống trong hang hoặc các tầng lớp đất xốp dưới lá cây mục. Mùa sinh sản nhiều nhất là những tháng nắng và đầu mùa mưa, thông thường rết ở trong hang rất sâu, nếu không phải dân chuyên nghề thì khó nhận ra hang của rết. Trong lúc bới hang tìm bắt, như biết sắp bị diệt vong, chúng liền đưa hai càng ra để phòng thủ. Tuy việc săn bắt loại có nọc độc này khá nguy hiểm, song vì giá bán ra khá hấp dẫn nên người làm nghề này phải cố bắt được càng nhiều càng tốt.

Nhện hùm mà anh Lâm vừa bắt được.

Anh Lâm cho biết từ khi có thông tin loài rết trở thành món ăn rất hấp dẫn với dân nhậu, lại có tin đồn dùng để ngâm rượu uống giúp trị một số bệnh của đàn ông thì người đi săn nhiều hơn. Con rết gần đây rất khó tìm, một chuyến đi của anh thường chỉ bắt được vài con, chính vì vậy mà giá rết cũng đắt hơn. Mỗi con rết lớn có giá từ 40.000-50.000 đồng, chủ yếu bán cho những người mua để ngâm rượu thuốc. Nhện hùm cũng có nhiều người săn bắt nên những năm gần đây loài nhện này rất hiếm, một phần do săn bắt quá mức, phần do ảnh hưởng của thuốc trừ sâu phun xịt trên các loại cây trồng làm nhện chết. Theo lời truyền miệng dân gian đồn thổi thì nhện hùm là một biệt dược “phòng the” dành cho nam giới. Nhưng cũng có nhiều ý kiến thì cho rằng những con nhện này chỉ có công dụng chữa bệnh “đái dầm” ở trẻ nhỏ và bệnh hen suyễn, còn tăng khả năng giường chiếu chỉ là tin đồn vô căn cứ. Anh Lâm còn khẳng định những con nhện được bán tại chợ không phải là nhện hùm, mà là con hồng quân, cũng thuộc họ nhện, màu sắc, hình dáng tuy có giống nhau nhưng nhện hùm thường sống trên cao, còn nhện hồng quân giăng tơ quanh miệng hang sống dưới đất.

Nhờ có người truyền đạt nhiều kinh nghiệm nhận dạng nên nghề bắt rết, bắt nhện của anh Lâm được nhiều mối lái ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… đặt mua với số lượng không giới hạn. Việc tìm kế sinh nhai của anh tuy nguy hiểm nhưng chỉ tốn công không cần vốn, mức thu nhập của anh không dưới 700.000-800.000 đồng/ngày. Có điều anh phải dầm mưa, dãi nắng rong ruổi trên các tuyến đường mới có được sản phẩm bán ra tiền.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>