Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng

17/01/2018 | 09:36 GMT+7

Năm qua, huyện Châu Thành A đã có nhiều nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm góp phần giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện, để người dân an tâm hơn trong tiêu dùng.

Cơ sở sản xuất nước đóng chai Uy Phong là một trong những cơ sở đươc đánh giá thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm.

Tăng cường quản lý, kiểm tra

Các ngành, địa phương ở huyện đã tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn huyện. Theo ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A: “Năm 2017, ngành y tế huyện đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt trong dịp tết, lễ hội,... Kết quả, kiểm tra được 730 cơ sở, có 106 cơ sở vi phạm. Đối với các cơ sở vi phạm, chúng tôi đã kiên quyết xử lý, tiêu hủy hơn 10 loại sản phẩm không đảm bảo chất lượng với khối lượng trên 36kg. Đồng thời, đã áp dụng các hình thức phạt tiền, cảnh cáo và nhắc nhở cơ sở, giám sát chặt chẽ việc khắc phục những vi phạm của cơ sở”. Bên cạnh tăng cường thanh, kiểm tra, công tác giám sát qua mẫu test nhanh cũng được thực hiện, với trên 70 mẫu và có 1 mẫu chả chay dương tính với hàn the.

Đây cũng là năm đầu tiên huyện triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 và ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Bà Trần Thị Hải An, Phó khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, cho biết: “Ngành đã thực hiện ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm ở 100% cơ sở quản lý. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm phòng ngừa và không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng... nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Nhiều cơ sở trên địa bàn đã chấp hành tốt việc đảm bảo an toàn thực phẩm và thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh. Chia sẻ về suy nghĩ của mình, ông Nguyễn Văn Trung, chủ Quán ăn 999, ở thị trấn Một Ngàn, khẳng định: “Tôi đã ký cam kết và sẽ thực hiện đúng theo các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong chế biến luôn chọn mua thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng. Giữ gìn vệ sinh nơi chế biến và chế biến sạch sẽ, an toàn cho khách. Không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm cho người ăn mà còn xây dựng uy tín của quán”.

Truyền thông sâu rộng nâng cao nhận thức

Hoạt động truyền thông đã được huyện thực hiện với nhiều hình thức và có các đợt cao điểm trong các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm,… đã tác động mạnh mẽ không chỉ đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh mà còn nâng cao nhận thức của người tiêu dùng biết chọn thực phẩm sạch, an toàn. Theo bà Trần Thị Hải An, Phó khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A: “Nội dung tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm đã được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trên loa phát thanh với trên 1.300 lượt. Đồng thời, nhiều băng rôn được treo ở các cơ quan, các tuyến đường và gần 60 điểm trường, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; thực hiện các buổi nói chuyện chuyên đề và tuyên truyền trực tiếp qua cán bộ làm công tác này ở địa phương”.

Nổi bật là việc tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm đến các đối tượng bán hàng rong. Ông Nguyễn Hùng Trong, Phó trưởng trạm Y tế thị trấn Rạch Gòi, cho biết: “Người bán hàng rong bước đầu được quan tâm quản lý chặt chẽ hơn. Chúng tôi đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở,  hướng dẫn để người bán hàng rong lưu ý mua những thực phẩm có nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh khi chế biến, bảo quản tốt thức ăn,… Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tuyên truyền, kiểm tra nhưng khó xử phạt do quy mô buôn bán nhỏ, đôi khi do buôn bán không cố định cũng khó khăn trong công tác tuyên truyền, quản lý”. Cũng theo ông Trong, hằng năm các đối tượng bán hàng rong đều được cập nhật lại và có nhiều thay đổi, năm 2017 trên địa bàn thị trấn có trên 50 người bán hàng rong.

Khen thưởng các cơ sở làm tốt cũng là một trong những cách truyền thông hiệu quả được áp dụng nhằm khuyến khích các cơ sở tiếp tục thực hiện tốt các quy định an toàn thực phẩm và nêu gương cho các cơ sở khác. Năm 2017, trên địa bàn huyện có 2 cơ sở được chọn để đề nghị khen thưởng cấp tỉnh là Quán ăn 999, thị trấn Một Ngàn, Cơ sở sản xuất nước đóng chai Uy Phong, thị trấn Rạch Gòi. Ông Lý Minh Tâm, chủ cơ sở Uy Phong, chia sẻ: “Được khen mình cũng phấn khởi. Gia đình tôi đã sản xuất từ 5 năm qua luôn quan tâm thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm từ các loại giấy tờ đến đảm bảo vệ sinh cơ sở, khu sản xuất. Định kỳ 6 tháng đều có gửi mẫu nước đi kiểm nghiệm chất lượng”.

Với nhiều giải pháp trong quản lý, thanh, kiểm tra, tuyên truyền,… được thực hiện đồng bộ năm qua đã góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm tốt hơn cho người dân trên địa bàn huyện, không xảy ra vụ ngộ độc trên 30 người. Trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, các ngành, địa phương của huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra, tuyên truyền nhằm đảm bảo cái tết an toàn cho người dân.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>