Nhiều thiệt hại từ bão số 2

19/07/2017 | 07:42 GMT+7

Mặc dù chỉ bị ảnh hưởng chứ không phải đi qua trực tiếp, nhưng cơn bão số 2 đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân trên địa bàn tỉnh những ngày qua. 

Anh Cần cùng gia đình đang dọn dẹp lại căn nhà bị sập hoàn toàn vào chiều ngày 17-7.

Lúa chết vì mưa dầm

Những cơn mưa như trút nước và kéo dài trong những ngày qua đã khiến cho nông dân tại cánh đồng lúa vừa xuống giống ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, vô cùng lo lắng vì nguy cơ chết giống phải gieo sạ lại rất cao. Chỉ tay về phía 6 công ruộng gieo sạ được 4 đêm, anh Đặng Thanh Thương, ở ấp 2, cho biết: “Lúa vừa sạ xong buổi chiều thì tối lại là mưa liên tục cho đến hôm nay. Dù đã đem máy ra trực bơm liên tục nhưng do mưa kéo dài nên không cách nào rút cạn nước trên ruộng ra được. Hiện những chỗ gò cao thì thấy lúa lên chút đỉnh, những chỗ thấp thì toàn là nước nên sau bão phải gieo sạ lại là chắc”.

Cùng nỗi lo trên, ông Lê Văn Vàng, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Đông, đang canh tác hơn 1ha ruộng cặp ranh anh Thương cũng vừa xuống giống 4 đêm, cho hay: “Mới gieo sạ mà gặp ngay lúc bão có mưa liên tục như thế thì làm sao lúa lên nổi. Tôi nhìn ruộng bị ngập nước, lúa chết dần mà thấy xót lòng. Hiện gia đình đã ngâm lại lúa giống xong, chờ qua bão sẽ gieo sạ lại cho nhẹ công giặm lúa sau này”.

Theo quan sát của chúng tôi, tại cánh đồng lúa ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông hay một số cánh đồng khác vừa gieo sạ ngay đợt bão này đều có lúa chết khá nhiều. Trước tình hình mưa lớn có thể kéo dài trong vài ngày tới nên không ít bà con phải tạm ngưng xuống giống, mặc dù lúa ủ lên mộng đã quá ngày gieo sạ. Bà Mai Hồng Thắm, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, thông tin: “Đáng lẽ ngày 17-7 vừa qua là nguồn lúa giống chuẩn bị gieo sạ cho 9 công ruộng của gia đình đến ngày xuống giống. Thế nhưng, với tình hình mưa như thế này nên gia đình chưa vội đưa giống xuống ruộng mà neo lại đợi nắng trở lại mới gieo sạ cho đảm bảo”.

Hiện nay, toàn tỉnh còn khoảng 10.000ha lúa Hè thu trong giai đoạn thu hoạch và cũng có khoảng 10.000ha lúa Thu đông từ 1-10 ngày tuổi. Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể của ngành chức năng, nhưng với tình hình mưa lớn kéo dài và kèm theo dông lốc trong những ngày qua ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch, lúa bị đổ ngã làm giảm năng suất, giá bán của vụ Hè thu và không ít diện tích lúa Thu đông bị nhấn chìm trong nước, nguy cơ phải gieo sạ lại sau bão là rất cao. Trước mắt ngành nông nghiệp thành phố Vị Thanh ghi nhận có 120ha lúa Thu đông mới gieo sạ bị ngập nước và huyện Phụng Hiệp có hơn 563ha, hiện nông dân đang tích cực bơm nước cứu lúa.

Liên tiếp có nhà bị sập, tốc mái

Ngoài ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp, cơn bão số 2 còn gây ra nhiều lo lắng khác cho ngành chức năng và người dân trong những ngày qua. Bởi, mỗi khi có mưa đều xuất hiện những cơn dông lốc đi qua làm sập hoàn toàn và tốc mái nhiều căn nhà của bà con trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng vào chiều ngày 17-7, toàn tỉnh có 10 căn nhà bị sập hoàn toàn và 15 căn bị tốc mái.

Vẫn còn bàng hoàng trước cảnh nhà của người con trai bị sập hoàn toàn vào chiều ngày 17-7 và suýt đè bẹp hai đứa cháu nội, bà Trần Thị Thu Hai (nhà cặp bên), ở khu vực 2, phường V, thành phố Vị Thanh, kể lại trong sự run rẩy: “Chiều hôm đó con tôi đi phụ hồ, ở nhà chỉ có hai đứa cháu nhỏ. Thấy mưa to kèm theo gió lớn, nhà của con thì lắc lư, xiêu vẹo nên tôi vội hô hoán cho hai cháu chạy ra ngoài. Cũng may khi hai đứa nhỏ vừa chạy ra khỏi cửa là toàn bộ căn nhà cũng sập theo, rồi suốt đêm đó tôi không ngủ được vì cứ ám ảnh cảnh tượng đó”.

Sau khi nhận được tin báo, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT-TKCN) thành phố Vị Thanh đã huy động lực lượng đến hỗ trợ gia đình anh Cù Văn Cần (con trai bà Hai) khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Căn nhà sập của anh Cần đã cơ bản được sắp xếp ổn thoa, hiện anh và hai đứa con đang sống nhờ bên nhà ông bà nội để chờ sửa chữa lại. Anh Cần bộc bạch: “Nhà sập nhưng rất may là không bị ảnh hưởng về người, còn toàn bộ tài sản trong nhà coi như hư hết, tổng thiệt hại cũng hơn 5 triệu đồng. Hiện tôi đang cố gắng dọn dẹp lại đống đổ nát rồi tiếp tục đi làm công việc phụ hồ để kiếm tiền sửa chữa lại căn nhà”.

Qua ghi nhận tại thành phố Vị Thanh, một trong những địa phương có nhiều nhà bị sập và tốc mái của tỉnh cho thấy, chỉ trong 3 ngày (từ ngày 15 đến 17-7), toàn thành phố có 4 căn nhà sập hoàn toàn, 3 căn nhà và một trường học bị tốc mái, ước thiệt hại ban đầu hơn 100 triệu đồng. Ông Hồ Hồng Lâm, Trưởng phòng Kinh tế, Chánh Văn phòng BCH PCTT-TKCN thành phố Vị Thanh, cho hay: Hiện tại, chúng tôi đã chỉ đạo cho các xã, phường có nhà dân và trường học bị tốc mái, trước tiên xuất nguồn kinh phí địa phương hỗ trợ cho bà con mua tôn về lợp lại căn nhà để ổn định cuộc sống, sau đó sẽ ứng lại và đến nay công tác này đã thực hiện tốt. Đối với những trường hợp nhà bị sập hoàn toàn, đây đều là những hộ nghèo nên chúng tôi đã hoàn thành các thủ tục đề nghị hỗ trợ đúng quy định và số tiền sẽ nhanh chóng đến với bà con trong thời gian sớm nhất.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng BCH PCTT-TKCN tỉnh, cho biết: Trước tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường nên đề nghị các địa phương trong tỉnh vận động người dân chằng chống nhà cửa, phát quang bụi rậm, các nhánh cây có nguy cơ đổ ngã và hạn chế ra đường khi có mưa to, gió lớn để tránh thiệt hại về người. Khi có thiên tai xảy ra, tập trung lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả để bà con ổn định đời sống và phương án ứng cứu khi có thiên tai xảy ra là theo phương châm “4 tại chỗ”…

Qua thống kê sơ bộ của Văn phòng BCH PCTT-TKCN tỉnh, ảnh hưởng của bão số 2 (từ ngày 12 đến 17-7), toàn tỉnh có 27 căn nhà của người dân bị sập hoàn toàn, tốc mái 41 căn (có 1 phòng học), ước thiệt hại gần 1 tỉ đồng.

Còn theo báo cáo nhanh của BCH PCTT-TKCN Trung ương, tính đến sáng ngày 17-7, bão số 2 làm chết 8 người, 4 người mất tích, nhiều nhà dân bị sập và tốc mái, nhiều cây cối bị đổ ngã, hàng chục tàu thuyền bị chìm và hư hỏng; trong đó thiệt hại lớn về người, tài sản và hoa màu là ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa, bão số 2 gây ra. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động vận hành các hồ chứa và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho đê điều, hồ đập…  

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>