Niềm đam mê câu cá

18/10/2017 | 09:39 GMT+7

Vui sướng, hạnh phúc khi tự tay câu được con cá không chỉ là vượt qua thử thách bản thân mà còn là niềm đam mê của nhiều người.

Dù trời nắng gắt, nhưng anh Chí Thanh vẫn đứng câu rê cá lóc, trên đường Võ Văn Kiệt, phường V, thành phố Vị Thanh.

Chọn đồ nghề

Theo anh Chí Thanh, ở phường I, thành phố Vị Thanh,  một “thợ” câu và là người mua bán dụng cụ câu cá, cho biết: Để câu được cá, điều đầu tiên người ta nhắc đến là một bộ đồ nghề và đồ nghề câu cá cũng được chia theo từng “đẳng cấp”, từng giai đoạn. Nếu người mới tập tành đi câu thì có thể chọn cần câu đơn giản, có thể bằng trúc tự làm hoặc các cần câu rút được bán tại các cửa tiệm, có giá từ 35.000-150.000 đồng. Còn đối với dân câu “có hạng” thì có thể sở hữu bộ đồ câu trị giá tiền triệu. Riêng với dân được gọi là lão làng, câu sông, câu biển… có thể sở hữu những bộ đồ câu lên vài chục triệu đồng, với thương hiệu Nhật, Mỹ, Malaysia…

Đồ nghề câu cá có đầy đủ cho những tay chuyên nghiệp. Ngoài cần câu, máy câu, dây câu, lưỡi câu… thì người đi câu còn có thể trang bị thêm cho mình nhiều phụ kiện đi kèm, như: giỏ rọng cá, cần chống, chuông báo cá dính câu, bao đựng cần, kềm, kéo, chì… đủ các hình dáng, kích thức, màu sắc và trọng lượng… Để câu được cá nhiều, cá to, người đi câu cũng cần trang bị mồi đúng với sở thích của từng loại cá. Mồi thì vô số loại, có sẵn ngoài thiên nhiên như trùn đất, trứng kiến, ong nghệ, rạch cua đồng, còn mồi chế biến thì mỗi dân câu tự “sản xuất” cho mình mỗi người một kiểu và đương nhiên mồi giả cũng không thể thiếu cho những tay câu chuyên nghiệp. Riêng với những thợ câu lâu năm, có kinh nghiệm, họ làm mồi, sửa câu, cách câu… rồi tự quay clip và úp lên diễn đàn cho những ai có đam mê tham khảo và chia sẻ, anh Thanh cho biết thêm.

Còn theo anh Hữu Thạch, ở phường V, thành phố Vị Thanh, ngoài đồ nghề, người đi câu còn dựa vào yếu tố kinh nghiệm là quan sát địa hình, địa thế, quan sát xung quanh, đánh giá tình hình, chọn địa điểm tốt nhất. Tiếp theo, chọn cần câu, chọn lưỡi câu, chọn mồi câu, dò độ sâu của nơi cần câu… Nghe công phu như vậy nhưng những thao tác ấy đối với dân chuyên nghiệp là rất nhanh, gọn gàng và hiệu quả rất kinh ngạc.

Thú vui

Anh Công Chuyền, ở phường I, thành phố Vị Thanh, một dân câu có thâm niên trên 10 năm, nói: “Câu cá là một trò chơi thách đố lòng kiên nhẫn, người câu có thể ngồi hàng giờ để chỉ câu được mỗi một con cá, vậy mà vui, vẫn cứ đi câu, quan trọng là vượt qua thử thách được bản thân, chinh phục được con cá và sau đó họ tận hưởng cảm giác của người chiến thắng. Câu cá có thể đi một mình hoặc một nhóm người, do điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên quan điểm đi câu cũng khác nhau. Ngoài ra, dân đi câu có thể đi cả ngày, nên thường họ đem theo bánh tét, bánh lá dừa, nước uống để dùng trong ngày… Cực khổ, công phu là vậy, nhưng bù lại rất vui. Tôi thích đi câu một mình vì thích sự yên tĩnh để thư giãn đầu óc. Đi một mình sẽ  tập trung hơn, câu được nhiều cá hơn. Đi câu, ngoài việc xả stress nó còn giúp mình suy nghĩ được nhiều điều tích cực hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, phụ thêm bữa cơm gia đình bằng món cá đồng chính hiệu, thơm ngon”. Với những kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm, mỗi chuyến đi câu của anh thường được nhiều cá, trung bình mỗi ngày anh câu được khoảng từ một đến vài ký cá rô. Thậm chí, có hôm “trúng mánh” câu được cá lóc, cá thát lát, cá tra thì số ký còn cao hơn nhiều. Mùa nước nổi, cá đổ về, cá nhiều thì gần như ngày nào anh cũng đi câu, còn mùa nắng anh chỉ thỉnh thoảng đi câu cho đỡ nhớ nghề.

Anh Hoàng Anh, ở phường VII, thành phố Vị Thanh, một tài xế xe tải, cũng là dân câu cá sông chuyên nghiệp, cho biết: “Ngoài thời gian chạy xe kiếm sống, tôi lại thích đi câu để giải tỏa áp lực. Tôi thường rủ nhóm bạn đi câu vào dịp cuối tuần, chiều về lấy cá làm mồi lai rai, trao đổi kinh nghiệm với mấy đứa bạn. Mỗi lần đi câu, tôi thấy tất cả cực nhọc tan biến, nhìn cần câu dính cá nặng trĩu, đọt câu cong vút là cảm xúc lâng lâng vô bờ. Thời gian ngắn thì đi câu hồ, gần nhà, tại các khu giải trí có câu cá, thời gian rộng thì tổ chức cả nhóm đi xa, câu ở các sông lớn”.

Câu cá thấy đơn giản vậy, nhưng đó là thú vui không dành cho những người thiếu kiên nhẫn, nóng tính, nó cần sự tinh tế và một chút nghệ thuật. Để “đeo bám” được thú vui này, người đi câu cần sự đam mê, đầu tư tiền bạc, tranh thủ thời gian và thích thử thách mới… Có như vậy, thì người đi câu mới có thể giữ được ngọn lửa đam mê.

Bài, ảnh: NGỌC LONG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>