Nỗ lực giảm nghèo

16/10/2017 | 10:13 GMT+7

Quan tâm xây dựng các mô hình, tạo điều kiện để hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống, là một trong những việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành thành phố Vị Thanh.

Nhờ thực hiện mô hình trồng lục bình, đời sống gia đình anh Cẩu ngày càng ổn định.

Mô hình giảm nghèo

Hoàn cảnh khó khăn, không có đất ruộng để sản xuất, nên mỗi ngày vợ chồng anh Trần Văn Cẩu, ở ấp Thạnh Bình, xã Hỏa Lựu, phải đi làm thuê, làm mướn để lo miếng cơm, manh áo và chuyện học hành của hai đứa con thơ dại. Vì vậy, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau, nên chuyện thoát được cảnh nghèo dường như quá khó với vợ chồng anh. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn ấy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để gia đình anh tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi không tính lãi suất, thực hiện mô hình kinh tế, nhằm cải thiện cuộc sống. Anh Cẩu bộc bạch: “Được vay vốn không tính lãi suất, vợ chồng tôi mừng lắm. Từ số tiền ấy, tôi đã đầu tư vào nuôi lục bình. Nhờ công việc này, cuộc sống cũng dần ổn định”.

Làm nhiều việc, tiết kiệm trong chi tiêu, nên cuộc sống gia đình cũng dần cải thiện. Đến nay, gia đình đã trả được số tiền vay ưu đãi, đồng thời còn gom góp mua được 1.500m2. Theo anh Cẩu, dẫu số tiền mua đất là do vợ chồng anh tích góp, cộng thêm gia đình cho mượn, nhưng với gia đình được như vầy đã quý lắm rồi. Hiện nay, sau khi điều tra rà soát, với số điểm có được, gia đình đã chính thức gạch tên mình ra khỏi danh sách hộ nghèo. “Là hộ nghèo dù được hưởng nhiều chế độ, chính sách của Nhà nước, nhưng mang mặc cảm lắm, dù không nói ra nhưng người ta ít nhiều cũng cười chê. Rồi nghĩ mình lười biếng nên mới nghèo, mới khổ. Bây giờ thoát nghèo rồi, chúng tôi sẽ cố gắng lao động hơn nữa, để tránh tái nghèo”, anh Cẩu tâm sự.

Thực hiện các dự án, mô hình giảm nghèo, có 48 hộ dân trên địa bàn xã Hỏa Lựu được hỗ trợ vay vốn không tính lãi suất để áp dụng vào mô hình kinh tế như trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ… Theo ông Nguyễn Ngọc Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Lựu, qua 1 năm thực hiện mô hình giảm nghèo ở địa phương đã mang lại hiệu quả tích cực, đời sống người dân từng bước được nâng lên. “Trong 48 hộ tham gia mô hình, qua kiểm tra, rà soát dự kiến có 22 hộ thoát nghèo. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác giảm nghèo ở địa phương”, ông Lợi cho hay.

Không riêng mô hình giảm nghèo xã Hỏa Lựu, ở xã Hỏa Tiến cũng được hỗ trợ kinh phí để thực hiện mô hình giảm nghèo. Từ những mô hình mang hiệu quả cao, đã giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Cùng với việc quan tâm xây dựng mô hình, công tác điều tra, rà soát hộ nghèo cũng được chú trọng, đây cũng là cơ sở cho việc đề ra các giải pháp thoát nghèo bền vững.

Chú trọng giảm nghèo chất lượng

Cuộc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm chăm lo đời sống người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, để việc điều tra thực hiện đạt kết quả cao, các điều tra viên ở cơ sở rất chú trọng công tác điều tra, rà soát, thu thập thông tin hộ gia đình. Ngoài những hộ đã nằm trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo cần điều tra, địa phương còn lập danh sách những hộ có khả năng rơi vào nghèo, cận nghèo để điều tra.

Thành phố Vị Thanh có trên 100 điều tra viên thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo. Ông Võ Văn Sang, Trưởng ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, cho biết: “Nhờ được tập huấn và sự hướng dẫn của cán bộ giảm nghèo các cấp, nên chúng tôi hiểu rõ quy trình điều tra hộ nghèo. Trong quá trình điều tra, ngoài lắng nghe hộ nghèo kê khai tài sản, chúng tôi còn quan sát và hỏi thêm một số hộ lân cận, để quá trình điều tra được khách quan, công bằng, không bỏ sót đối tượng”.

Trong quá trình điều tra, rà soát hộ nghèo, cán bộ giảm nghèo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố còn trực tiếp đến các xã, phường để hướng dẫn nghiệp vụ cho các điều tra viên. Đồng thời, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát ở cơ sở, để kịp thời uốn nắn, tháo gỡ khó khăn mà cơ sở gặp phải, góp phần hoàn thành kế hoạch điều tra hộ nghèo đúng tiến độ và phản ánh chân thực đời sống người dân.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vị Thanh, cho biết: “Năm 2017, theo chỉ tiêu được giao tỷ lệ giảm nghèo của thành phố từ 1-1,5%. Để thực hiện đạt kết quả được giao, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo có hiệu quả, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo được vay vốn ưu đãi, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… Nhờ đó, thu nhập được cải thiện, chất lượng cuộc sống ngày một nâng lên, hướng tới giảm nghèo bền vững”.

Đầu năm 2017, thành phố Vị Thanh có 1.883 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,5%. Trong năm có 26 hộ nghèo được vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, 70% hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân  hàng Chính sách xã hội, thực hiện 2 mô hình giảm nghèo ở xã Hỏa Lựu và xã Hỏa Tiến…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>