Nỗi lòng trẻ em…

10/07/2017 | 08:49 GMT+7

Được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, không bị bạo lực, xâm hại... là ý kiến được nhiều trẻ em nêu lên tại Diễn đàn trẻ em lần II vừa được UBND tỉnh tổ chức.

Thông qua tiểu phẩm tại diễn đàn, các em đã bày tỏ kiến nghị của mình.

Những băn khoăn, kiến nghị của các em

Những câu chuyện xoay quanh bạo lực gia đình, trẻ em phải lao động sớm, trẻ em mồ côi không ai nuôi dưỡng, chăm sóc, trẻ em bị đuối nước... được các em tham dự diễn đàn dàn dựng thành các tiểu phẩm đã gây nhiều ấn tượng với ngành chức năng. Thông qua tiểu phẩm, các em đã nói lên những suy nghĩ, kiến nghị của mình với ngành chức năng về vấn đề mà các em còn băn khoăn.

Đến với diễn đàn lần này, nhóm học sinh huyện Phụng Hiệp đã bày tỏ quan ngại của mình về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em. Em Kim Phụng Nghi, học sinh Trường THCS Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Còn nhỏ tuổi nhưng chúng em cũng hiểu rằng xâm hại tình dục để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến thể chất lẫn tinh thần trẻ em. Qua báo, đài em cũng biết, khi có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra, một số gia đình đã chọn cách im lặng. Theo em, người lớn hãy lên tiếng để bảo vệ trẻ em chúng em, bởi nếu cứ im lặng thì không chỉ có đứa trẻ đã bị xâm hại, mà còn rất nhiều bạn nhỏ cũng có nguy cơ bị xâm hại. Lúc đó, hậu quả thật sự khó lường...”.

Còn em Trần Văn Lợi, học sinh lớp 5, Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh cũng mang đến diễn đàn trẻ em lần này thông điệp “Trẻ em khuyết tật cũng có quyền phát triển năng khiếu và quyền được tôn trọng”. Do mang khiếm khuyết trên cơ thể, nên trẻ khuyết tật luôn chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa, bởi việc giao tiếp, đến trường cũng là điều khó khăn. Được sự quan tâm của các ngành, các cấp, học sinh khuyết tật đã được vào học ở Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh. Ở trường, các em ngoài được học văn hóa, còn được học ca hát, học thể dục, được giao lưu với các bạn trường khác. Lợi bộc bạch: “Là học sinh khuyết tật, em tưởng chừng mình không làm được gì, cũng may được sự quan tâm tạo điều kiện của mọi người, chúng em đã được đến trường. Từ ngày đến trường, cuộc đời chúng em đã thay đổi hoàn toàn, được yêu thương, được học tập và được tôn trọng. Em còn được phát huy năng khiếu ca hát của mình. Nhân diễn đàn, em cũng muốn gửi đến các bạn học sinh hãy cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội và mọi người hãy tạo điều kiện để trẻ khuyết tật được phát huy được năng khiếu của mình, bởi chúng em cũng có năng khiếu giống như bao bạn bè cùng trang lứa khác”.

Và còn nhiều thông điệp, kiến nghị, những băn khoăn mà các em mang đến diễn đàn như lo lắng về tình trạng bạo hành, ngược đãi, tình trạng trẻ em phải bỏ học, lao động sớm, trẻ em vi phạm pháp luật, tác hại của game online... Các em cũng mong muốn có những giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn kịp thời ngay tại diễn đàn. Ngoài ra, các em còn quan tâm đến điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí, phát triển năng khiếu và cũng đề cập đến bổn phận, trách nhiệm của mình đối với gia đình, cộng đồng và xã hội. Mỗi một ý kiến cũng là một ước muốn, mong muốn cuộc sống thêm tốt đẹp!

“Những điều các em nói đã trở thành chuyện chung”

Không chỉ lắng nghe, hướng dẫn mà ngành chức năng còn giải thích thỏa đáng tâm tư, nguyện vọng của các em. Ngoài ra, còn trang bị những kiến thức, kỹ năng thực hành xã hội, nâng cao nhận thức cho trẻ em về trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Chia sẻ về giải pháp ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng: “Vấn nạn xâm hại trẻ em hiện là hồi chuông báo động cho sự suy đồi đạo đức, không chỉ là nỗi bức xúc riêng của các bậc cha mẹ, mà là của toàn xã hội. Do đó, để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, ngành chức năng và bản thân trẻ em. Ngoài ra, ngành lao động -thương binh và xã hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại trẻ em và hậu quả của nó, nhất là với cha mẹ của trẻ. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em cho giáo viên, cán bộ làm công tác trẻ em, cha mẹ và cộng đồng”.

Ngoài đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông và Vận tải... đã giải đáp thấu đáo những thắc mắc của các em. Về vấn đề quản lý các điểm internet gần trường học, ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Internet rất có ích trong việc học tập, tra cứu thông tin cho các em học sinh. Tuy nhiên, việc lạm dụng internet cũng gây nhiều bức xúc, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của trẻ em. Do đó, đối với các đại lý internet, các điểm cung cấp game theo quy định không được đặt trong phạm vi 200m tính từ cổng trường. Ngành cũng đã tham mưu UBND tỉnh quy định mở cửa các điểm internet từ 8 giờ đến 22 giờ. Đồng thời, ngành cũng thường xuyên đến kiểm tra các điểm internet, để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm”. Cũng theo ông Tâm, học sinh nên sử dụng internet một cách có chọn lọc, nên loại bỏ những những nội dung xấu, tránh gây ảnh hưởng đến các em.

Thời gian qua, các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện nhiều việc làm thiết thực, nhằm tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường, được vui chơi, sinh hoạt, được sống trong môi trường an toàn và phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh vẫn còn trên 2.400 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trên 24.500 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, rất cần có sự ưu tiên quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ và tạo cơ hội cho phát triển bình đẳng cho trẻ. Phát biểu tại Diễn đàn trẻ em lần thứ II năm 2017, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Sau diễn đàn, tôi đề nghị các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội có giải pháp tích cực để giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của các em đặt ra. Tạo điều kiện cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, không bạo lực, không xâm hại và được phát triển toàn diện về mọi mặt. Tăng cường vận động và sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn lực dành cho trẻ em, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số. Song song đó, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí thiết thực và ý nghĩa cho trẻ em...”.

“Tiếng nói của trẻ em hôm nay tại diễn đàn không chỉ là nỗi lo của cá nhân, gia đình mà đã trở thành vấn đề chung, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội… để từ đây hoạt động chăm lo cho trẻ em được tốt hơn”, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nói.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>