Phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư: Còn nhiều nỗi lo

29/03/2018 | 07:40 GMT+7

Khu dân cư (KDC) là nơi tập trung nhiều nhà liền kề; có hộ vừa ở, vừa mua bán, sản xuất, kinh doanh, nếu không mai xảy ra cháy sẽ dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn. Nguy hiểm là vậy nhưng không phải KCD nào cũng chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Một vụ cháy nhà dân ở khu vực 2, phường IV, thành phố Vị Thanh.

Bà Nguyễn Thị Hà, ở KDC 586, thành phố Vị Thanh, rất quan tâm công tác phòng ngừa cháy nổ.

Theo đó, gia đình bà thường xuyên kiểm tra thiết bị điện, không để vật dụng dễ cháy gần nguồn điện; khi đun nấu luôn canh lửa và khóa bình gas cẩn thận sau khi sử dụng xong. Gia đình bà cũng thường xuyên được lực lượng chức năng tuyên truyền, kiểm tra phòng ngừa cháy nổ.

“Nếu cháy, nổ xảy ra, trước tiên mình phải thông báo những người xung quanh biết, kế tiếp ngắt cầu dao điện tại nhà rồi dùng bình chữa cháy và nước dập tắt, gọi điện cho ngành chức năng đến chữa cháy và di chuyển tài sản trong nhà ra ngoài”, bà Hà nói.

Không phải người dân sống ở KDC nào cũng biết các bước PCCC như vậy. Đó cũng xuất phát từ sự quan tâm của lực lượng chức năng và ý thức tự phòng, chống của mỗi người. Đối với những trường hợp lơ là, thờ ơ, nếu không mai xảy ra cháy thì hậu quả rất khó lường không chỉ một hộ mà nhiều hộ xung quanh.

Mua nhà và ở Khu đô thị mới Cát Tường, phường III, thành phố Vị Thanh hơn 1 năm, nhưng bà Trần Thị Kim Hoàng chưa một lần được lực lượng chức năng đến tuyên truyền về công tác PCCC. Cùng với đó, do công việc mưu sinh nên bà cũng ít tìm hiểu; để PCCC tại nhà, bà chỉ trang bị cầu dao điện tự động, sau khi đun nấu xong đều khóa van gas.

Khi được hỏi về việc ngắt cầu dao điện sau khi rời khỏi nhà, bà Hoàng cho biết. “Nhiều khi ra khỏi nhà nhớ thì ngắt còn quên thì thôi, vả lại tôi ra khỏi nhà khoảng 1-2 tiếng đồng hồ là về, có lẽ không đến nỗi xảy ra cháy, nổ”.

Theo nhiều người dân ở đây, họ cũng rất quan tâm đến công tác này, tuy nhiên vẫn còn không ít hộ cứ nghĩ bản thân cẩn thận trong việc đun nấu là sẽ không xảy ra sự cố.

Trung tá Lê Hùng Cường, Phó phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, nói biết được tiềm ẩn cháy, nổ ở các KDC nên thời gian qua đơn vị đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp PCCC và cứu nạn cứu hộ; xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về PCCC; thường xuyên kiểm tra công tác PCCC tại các KDC; tổ chức diễn tập phương án PCCC và công tác cứu hộ, cứu nạn cho lực lượng chữa cháy tại chỗ.

“Chúng tôi còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân nâng cao kiến thức, ý thức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC. Trong quy hoạch phát triển đô thị, các KDC cũng rất quan tâm đến các điều kiện về an toàn PCCC…”, trung tá Cường cho biết.

Tuy nhiên, một số KDC trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít hạn chế như: Giao công tác PCCC cho lực lượng dân phòng quản lý nên trang thiết bị phục vụ còn thiếu, yếu; một số nhà dân chuyển đổi công năng sử dụng, lắp đặt biển quảng cáo, hệ thống đèn led; một vài KDC còn thiếu trụ nước PCCC… Từ đó, nếu có cháy, nổ xảy ra thì hậu quả rất lớn.

Để thực hiện tốt công tác PCCC ở KDC, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng, địa phương củng cố, nâng chất hoạt động và phát triển mô hình điển hình tiên tiến an toàn PCCC gắn với quan tâm đầu tư trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC. Đề cao trách nhiệm từng gia đình và xã hội đối với việc lắp đặt và sử dụng các thiết bị điện, lửa đun nấu, thắp nhang đèn thờ cúng phải đảm bảo an toàn.

“Đối với hộ vừa là nơi ở, vừa là nơi để kinh doanh cần sắp xếp gọn gàng, bố trí nơi riêng biệt, tạo khoảng cách chống cháy lan và thoát nạn”, trung tá Cường khuyến cáo.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>