Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

16/06/2020 | 07:41 GMT+7

Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em không còn là chuyện của riêng gia đình, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội, để tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện, môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được quan tâm, giúp trẻ có môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Hy vọng không còn những vụ việc đau lòng

Thời gian qua, công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em luôn được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm. Tuy vậy, vẫn còn các em nhỏ đang phải sống mất an toàn và thiếu lành mạnh. Các em phải đối diện với nhiều nguy cơ như bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, xâm hại trẻ em...

Như trường hợp của cháu gái 7 tuổi, ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, bị gã hàng xóm xâm hại tình dục. Cha mẹ của cháu ly hôn và đều đi làm ăn xa, cháu ở nhà cùng ông bà nội. Tuy nhiên, hoàn cảnh ông bà cũng khó khăn, thường xuyên đi làm, lợi dụng sơ hở trong quản lý của ông bà, cháu đã bị một người hàng xóm dụ dỗ để thực hiện hành vi xâm hại tình dục.

Hay trường hợp đáng căm phẫn của em H.P.D., ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, khi bị chính cha ruột của mình xâm hại. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cha mẹ D. đi làm ở Bình Dương, còn D. và em trai ở nhà với bà ngoại. Khoảng năm 2018, D. cùng em trai lên tỉnh Bình Dương để thăm cha mẹ, trong khoảng 10 ngày ở cùng cha mẹ, D. đã bị cha ép quan hệ tình dục 2 lần. Ngoài ra, đến tháng 6-2019, D. tiếp tục đến tỉnh Bình Dương để thăm cha mẹ, cũng như lần trước em lại bị cha mình xâm hại lần nữa.

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 10 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, hầu hết các trường hợp xảy ra đều nằm trong gia đình là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, phải lo đi làm, nên bọn tội phạm lợi dụng sơ hở để thực hiện hành vi. Khi những vụ việc đáng tiếc xảy ra, hậu quả và di chứng để lại rất nặng nề. Rất cần sự chung tay của cộng đồng xã hội trong thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.

Đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa

Trẻ em có quyền được sống an toàn, lành mạnh được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ lẫn tinh thần. Mọi hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng... đều là những hành vi bị nghiêm cấm. Chính vì vậy, để nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, các ngành, các cấp và địa phương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, để cung cấp thông tin đến người dân về các kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Từ đó, mọi người chỉ bảo cho con em mình. Chị Nguyễn Thị Kiều Tiên, ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Năm nay, con gái tôi đã 10 tuổi. Trước nay, tôi cũng chưa quan tâm đến việc giáo dục giới tính cho con. Qua các thông tin tuyên truyền, tôi sẽ chỉ cho con biết những điểm nhạy cảm trên cơ thể, không để người khác đụng vào. Ngoài ra, cũng căn dặn con không được đi chơi một mình ở những nơi vắng vẻ, hoặc khi có người cho bánh, cho kẹo cũng không được nhận”.

Xâm hại tình dục trẻ em là vấn nạn đáng báo động trong xã hội, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và sự phát triển của các em. Do đó, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được quan tâm, chú trọng. Theo ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để phòng, chống vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người về trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Đồng thời, tăng cường quảng bá về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, để mọi người có thể phản ánh, tố giác các hành vi xâm hại tình dục trẻ em cũng như bạo hành trẻ em. Việc tố cáo sớm sẽ giúp các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xác minh, điều tra, bắt giữ tội phạm cũng như giám đình tổn thương cho trẻ. Cùng với đó, tập trung thực hiện các dự án, mô hình hình về trẻ em đã được triển khai trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, cha mẹ phải giáo dục, trang bị cho con em mình những kiến thức cần thiết về giới tính, theo dõi sự phát triển về tâm sinh lý để hướng dẫn định hướng kịp thời cho trẻ...

Cộng đồng xã hội cùng “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”, “Nói không với xâm hại trẻ em”, như thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em năm nay. Từ đó, tạo mọi điều kiện để trẻ em có môi trường sống lành mạnh, an toàn không bị bạo lực, xâm hại, góp phần phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần…

Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111

 

Hãy gọi Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tố giác nếu nghi ngờ, biết, chứng kiến, nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Tổng đài 111 sẽ bảo mật mọi thông tin thông báo, tố giác. Ngoài ra, còn phối hợp với các cơ quan lao động - thương binh và xã hội, công an các cấp, UBND cấp xã… để can thiệp và hỗ trợ cho trẻ em, cung cấp dịch vụ và bảo vệ trẻ em. Tư vấn pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>