Thành tựu giảm nghèo

08/11/2018 | 09:22 GMT+7

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội, cùng với ý thức vươn lên của người dân, gần 15 năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Nhờ vay vốn, cộng thêm chí thú làm ăn, gia đình anh Bal đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.

Vun đắp niềm tin cho hộ nghèo

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Bal, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, lúc này vợ chồng anh Bal vừa đi làm về tới. Mặt lấm tấm mồ hôi, anh Bal cho biết, nhờ được mọi người hỗ trợ và nỗ lực lao động, gia đình anh mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Vợ chồng anh đến với nhau trong cảnh nghèo. Cuộc sống nghèo khó, vất vả nên hai vợ chồng anh cố gắng làm lụng để lo cho cuộc sống của gia đình. Rồi cuộc sống càng khó hơn khi hai người con chào đời. Dẫu con còn nhỏ, song chị Nguyễn Bích Mơ (vợ anh) đã gửi con ở nhà cho mẹ chồng trông chừng, để đi làm thuê cùng chồng, hy vọng có thêm thu nhập. Chị Mơ chia sẻ: “Lúc đó, ai thuê mướn gì vợ chồng tôi cũng làm. Ban đêm thì đi giăng lưới, bắt ốc, kiếm thêm được đồng nào mừng đồng nấy”.

Không cam chịu trước cảnh nghèo, ngoài làm thuê, làm mướn, anh Bal luôn trăn trở tìm cách để có thể thoát nghèo. Vì vậy, anh đã bàn với vợ vay 80 triệu đồng để mua máy xới, hy vọng có thể vươn lên thoát nghèo từ công việc này. Từ ngày có chiếc máy xới, anh chị càng cật lực lao động. Dẫu là phụ nữ, nhưng chị Mơ cũng phụ chồng chạy máy xới, để tiết kiệm chi phí thuê mướn nhân công. Với chiếc máy xới, gia đình anh cũng thu về từ 20-30 triệu đồng/năm. Nhờ siêng năng, cần mẫn, không ngại khó, gia đình anh Bal đã thoát được cảnh nghèo và ổn định cuộc sống. Năm 2018 này, ngoài nguồn hỗ trợ 30 triệu đồng từ Hội đồng giáo xứ họ đạo Xavier, gia đình anh còn bù thêm trên 100 triệu đồng, để xây dựng căn nhà vững chãi. Theo anh Bal, là hộ nghèo chỉ cần bản thân tận dụng có hiệu quả sự trợ giúp, đồng thời, bản thân phải biết nỗ lực vươn lên, thì có thể thoát được cảnh nghèo.

Hỗ trợ vốn giúp hộ nghèo phát triển sản xuất kinh doanh từ lâu được xem là công cụ then chốt trong xóa đói giảm nghèo. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi này, đã có hàng chục ngàn hộ nghèo làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Với phương thức cho vay ủy thác qua các đoàn thể, tổ vay vốn đã tạo ra sự tương trợ giúp hộ nghèo vươn lên, ổn định đời sống kinh tế.

Công tác xóa đói giảm nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng xã hội. Theo ông Cao Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, địa phương là xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo cao, thời gian qua, ngoài sự quan tâm của tỉnh và huyện, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo. Với các giải pháp như đào tạo nghề giới thiệu việc làm, xây dựng mô hình giảm nghèo, các tổ chức, đoàn thể địa phương còn hướng dẫn, kèm cặp, “cầm tay chỉ việc”, để người dân thực hiện các mô hình làm ăn hiệu quả… Từ đó, người dân sẽ tích lũy được vốn kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng vào điều kiện thực tế của gia đình mình, vươn lên thoát nghèo.

Chung sức đồng lòng

Là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, huyện Phụng Hiệp đã thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về công tác xóa đói giảm nghèo, bởi chỉ khi nào người nghèo ý thức được trách nhiệm của bản thân mình, gia đình mình, thì mới tránh được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cố gắng vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới.

Nhìn lại hành trình 15 năm, huyện Phụng Hiệp đã thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo. Theo bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, nếu như năm 2005 toàn huyện có 10.328 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 24,6%, thì đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 14,8%. Để thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể. Đồng thời, tổ chức đối thoại hộ nghèo, mở các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, xây dựng các mô hình làm ăn hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng tại địa phương và nhu cầu của thị trường... Qua đó, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân cũng ý thức, chủ động vươn lên thoát nghèo. Như trường hợp gia đình chị Lê Thị Tuyết Mãnh, ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp. Cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng chị không ngại nắng mưa cực khổ đi bắt từng con ốc, kiếm từng cọng rau, hay đi giặm lúa mướn, làm quần quật bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa. Thế nhưng cái nghèo mãi bám víu, căn nhà lụp xụp cất bấy lâu cũng không có điều kiện để sửa lại. Chia sẻ trước khó khăn của gia đình, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để gia đình chị vay tiền, xây dựng lại căn nhà, góp phần an cư lạc nghiệp. Hiện nay, chồng chị đi làm thuê, thu nhập cũng kha khá, do đó, cuộc sống được ổn định và vươn lên thoát nghèo. “Nhà nước đã tạo điều kiện thì mình phải cố gắng làm để thoát nghèo bền vững, nhường lại chế độ chăm lo cho những người già neo đơn, những hoàn cảnh khó khăn hơn”, chị Mãnh chia sẻ.

Sau 15 năm thành lập tỉnh, mặc dù Hậu Giang còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh luôn quan tâm công tác chăm lo an sinh xã hội, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, đời sống người dân từng bước được nâng lên về vật chất lẫn tinh thần. Nếu như năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh 23,5% thì đến cuối năm 2017 giảm xuống còn 9,63%. Mỗi hộ thoát nghèo, mỗi phần trăm tỷ lệ hộ nghèo giảm là cả quá trình nỗ lực của các cấp, các ngành và chứng minh cho công tác an sinh được làm tốt.

Theo bà Hồ Thu Ánh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để thực hiện đạt kết quả trên, trong các chương trình, nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy đảng, HĐND, UBND các cấp mục tiêu giảm nghèo luôn được đề ra, với chỉ tiêu cụ thể. Các địa phương đã xây dựng chuyên đề về giảm nghèo và đưa giảm nghèo là một nội dung, chỉ tiêu quan trọng vào nghị quyết của cấp ủy, đồng thời tăng cường chỉ đạo tập trung quyết liệt với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Các năm qua, nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa, lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, cơ bản bao phủ được số hộ nghèo, người nghèo và địa bàn xã còn khó khăn. Qua đó, người nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững...

Có thể nói, giảm nghèo là “chìa khóa” để nâng cao mức sống cho người dân. Trong thời gian tới, các ngành, các cấp và địa phương tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo và thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Từ năm 2006 đến tháng 6-2018, toàn tỉnh có trên 259.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn vận động Quỹ vì người nghèo đã xây dựng 11.135 căn nhà tình thương cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, 7.108 hộ được hỗ trợ xây dụng nhà theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 713 hộ xây dựng nhà theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ điện, dầu hỏa thắp sáng, miễn giảm học phí cho con em thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Thực hiện tốt chính sách chăm sóc sức khỏe, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh; dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo... Từ năm 2006 đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có trên 73.400 lượt hộ dân thoát nghèo.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>