Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan: “Tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em phát huy quyền của mình”

06/11/2017 | 07:55 GMT+7

“Dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua tỉnh Hậu Giang rất quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Từ đó, tạo điều kiện cho các em phát huy các quyền cơ bản của mình”, đó là chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang của bà Đào Hồng Lan (ảnh), Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhân chuyến công tác tại tỉnh.

Thưa bà, qua kiểm tra thực tế tại Hậu Giang, bà có đánh giá như thế nào về công tác này ở địa phương ?

- Bên cạnh đánh giá trên, tôi thấy luật và các văn bản liên quan đến trẻ em được triển khai toàn diện ở các cấp, các ngành và địa phương. Ngoài ra, công tác thu thập thông tin đối tượng trẻ em được thực hiện sâu sát, đúng quy định. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng.

Các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em được duy trì thường xuyên ở địa phương bằng việc lồng ghép các hoạt động vui chơi, giải trí và các phong trào đoàn, đội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức trong nhà trường, nhà văn hóa thông tin... Hậu Giang còn rất linh hoạt trong việc triển khai thực hiện cũng như xây dựng các mô hình liên quan đến công tác chăm sóc trẻ em. Trong đó, đáng chú ý là mô hình giữ trẻ mùa lũ, bởi chúng ta không thể dạy bơi cho tất cả các em, nhất là những trẻ nhỏ mới 1, 2 tuổi. Việc thực hiện mô hình này, không chỉ giúp phòng tránh tai nạn đuối nước mà còn giúp phụ huynh an tâm đi làm, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm những vấn đề nào để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thưa bà ?

- Tỉnh cần tập trung bám sát các đề án, chỉ đạo của Trung ương về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hiện nay, số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh còn khá cao, do đó, tiềm ẩn các nguy cơ như trẻ em phải lao động sớm, không được học đến nơi đến chốn... Vì vậy, địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến nâng cao nhận thức của người dân và trẻ em. Ngoài ra, cần thực hiện tốt việc phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục, phòng chống đuối nước cho trẻ em, quan tâm tạo điều kiện để trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng...

Toàn tỉnh có trên 182.300 trẻ em dưới 16 tuổi. Trong đó, có trên 2.300 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trên 24.800 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, 229 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, 777 trẻ em khuyết tật nặng và đặc biệt nặng...

 

Xin cảm ơn bà !

BÍCH CHÂU thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>