Tích cực bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ

17/06/2020 | 18:59 GMT+7

Bộ luật Lao động năm 2019 nhấn mạnh rằng phụ nữ có thể nhận được thành quả xứng đáng cho những đóng góp của mình, thông qua việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Theo Bộ luật Lao động năm 2019, lao động nữ được quyền lựa chọn làm hoặc không làm những nghề, công việc lúc trước cấm sử dụng lao động nữ với mục đích bảo vệ họ.

Thời gian qua, phái nữ đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi đó để tích cực tham gia vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Song song đó, cũng góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Dù có nhiều cố gắng, nhưng tỷ lệ nữ tham gia vị trí quản lý còn khá thấp so với nam, thu nhập của nam và nữ vẫn còn chênh lệch.

Khi được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2019, Bộ luật Lao động năm 2019 đã hướng tới giải quyết các khoảng cách về giới. Bộ luật Lao động quy định giảm số năm chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ từ 5 năm xuống còn 2 năm. Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, khi đó tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sẽ tăng dần đến 60 tuổi, thay vì 55 tuổi như hiện nay. Đồng thời, các điều khoản trong Bộ luật Lao động năm 2019 cũng giúp giải quyết vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ, bảo vệ tốt hơn người lao động nữ trong quá trình mang thai và nuôi con nhỏ. Nhiều nghề, công việc lúc trước cấm sử dụng lao động nữ với mục đích bảo vệ họ, thì bây giờ đã mở cửa với lao động nữ và cho họ được quyền lựa chọn làm hoặc không làm. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo, hỗ trợ người lao động gửi con vào nhà trẻ, lớp mẫu giáo.

Chị Dương Nguyễn Thị Cẩm Tường, công nhân Công ty TNHH Lạc Tỷ II (huyện Châu Thành A), cho biết: “Tôi thấy Bộ luật Lao động năm 2019 có nhiều điểm mới có lợi cho người lao động, nhất là lao động nữ. Chẳng hạn lao động nữ mang thai được quyền tự quyết định có đi công tác xa, làm ca tối, hoặc làm thêm giờ”.

Để giúp lao động nữ phát huy khả năng của mình cũng như đảm bảo thực hiện vấn đề bình đẳng giới tại nơi làm việc, các công ty, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp, cách làm, góp phần tạo điều kiện để lao động nữ thực hiện tốt công việc được giao. Theo anh Võ Văn Trung, Quản lý xưởng may Công ty TNHH May mặc Phương Thảo (huyện Châu Thành A), với đặc thù là ngành may công nghiệp, phần đông công nhân may là nữ, do đó công ty luôn thực hiện đúng các quy định, chế độ dành cho lao động nữ. “Với những lao động nữ mang thai, khi ngồi may thấy mệt, công ty sẽ bố trí họ sang làm công việc nhẹ hơn như cắt chỉ. Đồng thời, khi làm việc khoảng 2 giờ đồng hồ thì lao động nữ mang thai được giải lao 10 phút, để uống sữa, ăn bánh. Ngoài ra, còn cho lao động nữ mang thai về trước 1 giờ đồng hồ nhưng vẫn tính đủ số giờ làm việc...”, ông Trung chia sẻ.

Những điều Công ty TNHH May mặc Phương Thảo được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng trong thời gian qua. Được quan tâm, tạo điều kiện sẽ giúp lao động nữ thêm niềm tin, phấn khởi, cố gắng lao động, để hoàn thành tốt công việc được giao, góp phần vào sự phát triển của công ty, doanh nghiệp.

Thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc sẽ tạo điều kiện thuận lợi, để người lao động phát huy lợi thế cũng như tay nghề của mình. Doanh nghiệp cần thiết kế chính sách theo hướng lồng ghép các nội dung bình đẳng giới tại nơi làm việc, hỗ trợ cả lao động nam và lao động nữ có thể thực hiện trách nhiệm công việc và gia đình. Có như vậy, sẽ tạo sự gắn kết giữa người lao động và người sử dụng lao động, từ đó, mọi người cùng góp sức vào sự phát triển của công ty, doanh nghiệp...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>