Vì nạn nhân da cam

12/08/2019 | 08:35 GMT+7

Với tình cảm và trách nhiệm, những năm qua tỉnh luôn quan tâm chăm lo nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam (CĐDC) bằng những việc làm thiết thực, để mọi người có cuộc sống tốt hơn...

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của hội nạn nhân CĐDC/Dioxin các cấp, nhiều nạn nhân đã cải thiện được cuộc sống.

Trao mái ấm an cư

Những ngày đầu tháng 8 này rất có ý nghĩa với gia đình anh Nguyễn Văn Thống, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, bởi gia đình đã có mái ấm an cư. Hôm mọi người đến bàn giao nhà, anh Thống rất đỗi vui mừng, nắm chặt tay từng người và không ngớt lời cảm ơn mọi người đã quan tâm hỗ trợ gia đình anh. Nhìn căn nhà mới vững chãi, anh Thống bùi ngùi nhớ lại những tháng ngày vất vả khi ở trong căn nhà lụp xụp, trống trước hở sau. Hoàn cảnh gia đình anh Thống rất khó khăn, không nghề nghiệp, nhà có 2 công ruộng trong khi con trai của anh bị nhiễm CĐDC sức khỏe yếu. Vì vậy, cuộc sống rất khó khăn, túng thiếu.

Theo anh Thống, lúc trước nhà cửa xiêu vẹo, mỗi lần đi làm hễ trời đổ mưa là anh nóng ruột, lo mưa dột nhiều không biết hai mẹ con phải làm sao. Lúc đó, anh chỉ muốn về liền, nhưng ngặt nỗi đang làm mướn mà bỏ về giữa chừng thì sau này ai mà thuê mướn nữa. Chia sẻ trước khó khăn của gia đình, đồng thời thể hiện sự quan tâm đến con trai của anh Thống - nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh đã vận động 40 triệu đồng hỗ trợ gia đình xây dựng căn nhà tình thương. Từ đây, cả nhà đã có mái ấm an cư hết lo cảnh mưa dột gió lùa. Anh Thống cho hay: “Dẫu phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, song tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, để cuộc sống được cải thiện hơn”.

Mỗi căn nhà được xây dựng chứa đựng biết bao tình cảm của cộng đồng xã hội dành cho những người không may chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc mang tên màu da cam. Chất độc ấy không chỉ để lại di chứng ở bản thân người trực tiếp tham gia kháng chiến, mà còn để lại ở thế hệ con, cháu của họ. Vì vậy, công tác chăm lo nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC luôn được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện, nhằm xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Từ năm 2006 đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh đã vận động xây dựng 103 căn nhà tình thương để trao tặng các nạn nhân, giúp mọi người có mái ấm để an cư lạc nghiệp.

Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo

Hoạt động trợ giúp, chăm sóc nạn nhân CĐDC là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng bậc nhất của các cấp hội trong tỉnh. Các đối tượng nạn nhân CĐDC thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, bệnh tật, dị dạng, khó khăn nhiều mặt về đời sống… đã được cộng đồng quan tâm hỗ trợ bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Toàn tỉnh hiện có 424 nạn nhân bị ảnh hưởng CĐDC hưởng trợ cấp hàng tháng và trên 10.700 người khuyết tật hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Những năm qua từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức thực hiện tốt các hoạt động để chăm lo, hỗ trợ cho các nạn nhân cũng như gia đình của họ. Từ đó, động viên mọi người vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ông Thái Vũ, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh, cho biết: “Thông qua tổ chức hội các cấp, từ năm 2006 đến nay, các cấp hội đã vận động trên 1.000 lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, với tổng số tiền trên 50 tỉ đồng”.

Ông Võ Văn Kèn, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Tôi tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC, không chỉ vậy người con trai út của tôi cũng bị ảnh hưởng chất độc ấy. Đến nay, nó 38 tuổi rồi mà cứ như đứa trẻ có biết gì đâu. Sinh con ra bị như vậy gia đình tôi buồn lắm, song được sự quan tâm của các ngành, địa phương, gia đình tôi cũng cảm thấy được an ủi. Vào các ngày lễ kỷ niệm, chúng tôi được mọi người đến thăm hỏi, tặng quà. Những lời động viên ấy khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng, phần nào vơi đi nỗi đau do di chứng của chiến tranh”.

Phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, với nghĩa tình, trách nhiệm của mình, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh và các cấp hội tiếp tục tuyên truyền về chế độ, chính sách ưu đãi, đãi ngộ cho nạn nhân, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân bằng nhiều hình thức, hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Cùng với đó, tiếp tục vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân và cộng đồng xã hội để cùng sẻ chia, giúp đỡ nạn nhân da cam. Từ đó, góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, xã hội…

Từ năm 2006 đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh và các cấp hội trong tỉnh đã vận động trên 1.000 lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có lòng hảo tâm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, với tổng giá trị trên 50 tỉ đồng. Từ nguồn kinh phí vận động này đã trao tặng trên 130.000 phần quà, hỗ trợ 761 suất học bổng, tặng 237 chiếc xe lăn, 29 chiếc xe lắc. Hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi và trợ cấp khó khăn cho 425 người. Khám bệnh cấp thuốc miễn phí, mổ mắt đục thủy tinh thể: 23.626 lượt người…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>