Xu hướng phát triển mới của báo chí trên thế giới trong những thập niên đầu thế kỷ XXI

15/06/2017 | 13:57 GMT+7

PGS, TS. Đoàn Minh Huấn - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản kết luận Tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Đình

Nhằm làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về xu hướng phát triển của báo chí trên thế giới trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị giải pháp đối với sự đổi mới, phát triển của mỗi cơ quan báo chí nói riêng và báo chí cách mạng Việt Nam nói chung; đồng thời hướng tới kỷ niệm 92 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2017), sáng 14-6-2017, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Xu hướng phát triển mới của báo chí trên thế giới trong những thập niên đầu thế kỷ XXI”. Tọa đàm đã nhận được nhiều tham luận, ý kiến đóng góp các nhà khoa học, nhà báo, nhà nghiên cứu.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, trước sự phát triển nhanh chóng của thời đại, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nền truyền thông thế giới đang biến chuyển hết sức nhanh chóng, với nhiều xu hướng phát triển mới. Điều đó đặt ra cả những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đối với hoạt động của các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo. Làm sao để tận dụng những thời cơ, thuận lợi và khắc phục được những khó khăn, thách thức đó là nhiệm vụ không đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của mỗi toàn soạn và mỗi người làm báo.

Tọa đàm đã diễn ra sôi nổi, với nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc xung quanh câu chuyện xu hướng phát triển mới của báo chí trong thời gian gần đây. Các cơ quan báo chí và người làm báo hiện đang chịu rất nhiều thách thức, tác động từ cuộc cách mạng số, làm xuất hiện nhiều suy nghĩ, tư duy và các thức, phương pháp làm báo mới. Nhiều ý kiến cho rằng, với sự phát triển của công nghệ số, sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông mới, khi dân trí đã được nâng lên, thì xu hướng, thị thiếu và cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng hiện thay đổi nhanh chóng. Báo chí nói chung, báo chí Việt Nam nói riêng cần không ngừng tìm tòi, đổi mới về nội dung và cách thức thể hiện nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc. PGS, TS. Nguyễn Văn Dững, Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, trong môi trường truyền thông số, mỗi nhà báo phải là một nhà kết nối; mỗi cơ quan báo chí phải là một trung tâm kết nối. Đối với mỗi người làm báo, quan trọng nhất là ở năng lực, phẩm chất của người làm báo. PGS,TS. Dững nhấn mạnh: “Làm báo chuyên nghiệp trong thời buổi ngày nay phải nhiệt thành, yêu nghề”.

Các ý kiến đều thống nhất rằng, trong bối cảnh hiện nay, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối giữa người dân với chính quyền. Báo chí là thiết chế kiến tạo xã hội, là “sức mạnh mềm”, là người cổ động, tuyên truyền và tổ chức tập thể, định hướng dư luận xã hội; cũng như trong vai trò của báo chí trong giám sát, phản biện xã hội, chống tham ô, lợi ích nhóm. Có thể nói, chưa bao giờ, hoạt động báo chí và vai trò của báo chí lại quan trọng như hiện nay.

Tại Tọa đàm, nhiều giải pháp, kiến nghị, đề xuất chính sách cũng đã được đưa ra liên quan đến công tác tổ chức quản lý hoạt động báo chí, yêu cầu đối với mỗi nhà báo, vấn đề kinh tế báo chí cũng như nâng cao chất lượng đào tạo báo chí trong tình hình hiện nay. ThS. Lý Thị Hải Yến, Phó Trưởng Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao nhấn mạnh, cần phải đầu tư để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí; chú trọng, nâng tầm hoạt động truyền thông đối ngoại của Việt Nam trên thế giới. Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Báo điện tử Vietnamplus cho rằng, cần phải đổi mới tư duy, cách thức trình bày một bài báo, sử dụng nhiều hơn công nghệ trong việc truyền đạt nội dung và ý tưởng của tác giả... TS. Vũ Thanh Vân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì nhấn mạnh đến vai trò của báo chí trong việc tạo niềm tin cho xã hội, thay vì quá nhấn mạnh, tập trung vào những vấn đề tiêu cực; đồng thời cần nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin của công chúng… Đây là những ý kiến hết sức bổ ích đối với những nhà lãnh đạo, quản lý, mỗi cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo báo chí, cũng như mỗi nhà báo.

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, PGS,TS. Đoàn Minh Huấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản cảm ơn, đánh giá cao các nhà khoa học, nhà báo đã có những tham luận ý nghĩa, thiết thực, mang tính thời sự, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đó không chỉ là những ý kiến Tạp chí Cộng sản có thể tham khảo, áp dụng, mà còn là những thông tin mà các cơ quan báo chí có thể tham khảo vận dụng, phù hợp với điều kiện của mình. Đồng chí nhấn mạnh, Tạp chí Cộng sản đã và sẽ chú trọng tổ chức những buổi tọa đàm chuyên sâu, tăng cường trao đổi, thảo luận thẳng thắn, thiết thực hiệu quả như vậy trong thời gian tới./.

Theo Yên Hòa/tapchicongsan.org.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>