Chuyển đổi số vùng: Khơi thông và bắt tay hợp tác !

13/11/2022 | 13:08 GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá không chỉ là “trụ đỡ” bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Không nằm ngoài xu thế tất yếu, các tỉnh, thành trong vùng đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, nhằm khai thác tối đa, hiệu quả thế mạnh sẵn có. Tuy nhiên, đến nay việc chuyển đổi số của vùng vẫn còn nhiều điểm nghẽn, cần được khơi thông.

Nhiều hội thảo, hội nghị cấp vùng đã được tổ chức thời gian qua để tìm giải giải pháp thúc đẩy cho sự phát triển chung từ chuyển đổi số.

Bài toán về nhân lực trong chuyển đổi số

Là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, tận dụng lợi thế, các tỉnh, thành trong vùng đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sạch, hiện đại, giúp nông dân phát triển kinh tế và có trách nhiệm với người tiêu dùng.

Chuyên gia tư vấn độc lập về chuyển đổi số Nguyễn Tuấn Hoa chia sẻ: Nếu chuyển đổi số, nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nhiều điều kiện để phát triển, nếu nông nghiệp phát triển, nhiều yếu tố sẽ phát triển, đi theo. Trọng tâm của chuyển đổi số cần hướng đến là thông minh hóa quy trình sản xuất và thông minh hóa quy trình quản lý “Chìa khóa nằm ở chỗ đó”. Để thông minh hóa quy trình quản lý, cần đưa máy móc vào để quy trình diễn ra chính xác, giảm thiểu can thiệp của con người, từ đó tạo ra quy trình mới. Chuyên gia Nguyễn Tuấn Hoa cũng cho rằng: Cần chú trọng vào chuyển đổi số trong quy trình sản xuất mới tạo ra của cải vật chất, để tạo ra bùng nổ, đột phá trong khâu sản xuất ở Việt Nam. Nền kinh tế hiện nay là nền kinh tế tuyến tính, phải chuyển sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, lấy công nghệ số là nền tảng, làm thay đổi hoàn toàn nền nông nghiệp của vùng.

Dù có rất nhiều lợi thế, nhưng theo TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: “Việc chuyển đổi số ở đồng bằng sông Cửu Long rất khó khăn, thậm chí khó khăn nhất trong các khu vực trên cả nước. Lý do vì đây là “vùng trũng” về nhân lực chuyển đổi số, với số lượng nhân lực thấp hơn cả Tây Bắc và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp lại là lĩnh vực chuyển đổi số khó nhất. Tuy nhiên, đồng bằng sông Cửu Long vẫn có thể làm tốt việc chuyển đổi số, khi nhiều tập đoàn đã làm thành công, thậm chí có đơn vị chuyển đổi số từ rất sớm, trước khi có chủ trương của Chính phủ. Từ các mô hình thành công đó, lãnh đạo các địa phương có thể nhân rộng cho các doanh nghiệp khác trên địa bàn của mình, tận dụng tốt các lợi thế, kênh đầu tư để tập trung cho chuyển đổi số”.

Để giải quyết bài toán về nguồn nhân lực trong chuyển đổi số, TS. Nguyễn Quân lưu ý với các địa phương rằng xây dựng chính quyền số không đơn giản, nhất là các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Tây Bắc, vì chuyên gia vô cùng ít. Như vậy, phải có chính sách đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần đầu tư hơn nữa nguồn lực vật chất và tài chính cho chuyển đổi số. Chuyển đổi số cần một hệ sinh thái tương ứng, trong đó có thể chế, hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số và các nền tảng công nghệ số, các sản phẩm công nghệ số. Hệ sinh thái số đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn.

Còn theo Ths. Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Chuyển đổi số tài nguyên, môi trường và nông nghiệp, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam: Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thuận lợi để triển khai hạ tầng dữ liệu không gian địa lý để phát triển cho cả vùng. Ông Thắng cho rằng: “Dữ liệu tài nguyên, môi trường có liên hệ rất sâu với ngành nông nghiệp. Việc nuôi con gì, trồng cây gì nên nghiên cứu dựa trên các dữ liệu này chứ không phải theo truyền thống để lại. Cần thiết phải hình thành hệ thống dữ liệu cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia của đồng bằng sông Cửu Long về tài nguyên, đất đai, nông nghiệp và môi trường để phục vụ cho phát triển.

Hợp lực trong chuyển đổi số của vùng

Chuyển đổi số để cơ cấu lại kinh tế vùng, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên đã được Chính phủ xác định là nhiệm vụ ưu tiên trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn vùng.

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ: Có rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy chuyển đổi số. Nhiệm vụ đầu tiên là phát triển mạnh hạ tầng số đặc biệt, hạ tầng điện toán đám mây. Kế đến, là nhiệm vụ thông minh hóa hạ tầng các ngành, lĩnh vực đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số… Để người dân đồng bằng sông Cửu Long được nâng cao chất lượng cuộc sống, phải giúp người dân thoát nghèo, giúp người nông dân tránh được thực tế được mùa mất giá, phụ thuộc vào thương lái trung gian. Muốn vậy, cần chuyển đổi số để tạo thương hiệu gia đình cho sản phẩm bằng cách cá thể hóa sản vật với mảnh vườn nhà mình.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng đề xuất đồng bằng sông Cửu Long nên chuyển đổi số giáo dục, y tế và các ngành mũi nhọn. Về y tế, nên chuyển đổi số bằng cách ứng dụng “Bác sĩ AI” có thuật toán khám, chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác, hoàn toàn tự động. Về lĩnh vực giáo dục trước mắt, ưu tiên chuyển đổi số giáo dục đại học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng. Đại học số không cần nhiều giảng đường, giáo viên, người học có thể tham gia học ở bất cứ nơi đâu, thời gian học linh hoạt, không giới hạn số lượng người học, qua đó khắc phục được việc thiếu nguồn nhân lực số cho phát triển…

Đến nay, tầm nhìn về chuyển đổi số của Việt Nam đã và đang bắt nhịp được với các nước phát triển, điều này đã lan tỏa khắp các tỉnh, thành cả nước. Để chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng: Phải tạo nền móng, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số. Những người đứng đầu các đơn vị phải vào cuộc, chịu trách nhiệm chính về chuyển đổi số, tiến hành thử nghiệm chuyển đổi số. Cùng với đó, kiến tạo thể chế, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và phát triển hạ tầng số như: hạ tầng băng rộng, mạng 5G… Về nhiệm vụ phát triển Chính phủ số, các nền tảng Chính phủ điện tử, về môi trường pháp lý, các văn bản quy định về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã cơ bản hoàn thành. Về các nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội số theo hướng tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào cuộc sống, mang lại những lợi ích cho người dân, doanh nghiệp…

Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình, đặc biệt gắn với xu thế tất yếu của chuyển đổi số đòi hỏi các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long bên cạnh tìm ra những giải pháp riêng, thì rất cần những cái bắt tay chung, cùng hợp lực để thúc đẩy sự phát triển bền vững.

“Nhân lực phục vụ chuyển đổi số thấp hơn cả Tây Bắc và Tây Nguyên”

 

TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: “Việc chuyển đổi số ở đồng bằng sông Cửu Long rất khó khăn, thậm chí khó khăn nhất trong các khu vực trên cả nước. Lý do vì đây là “vùng trũng” về nhân lực chuyển đổi số, với số lượng nhân lực thấp hơn cả Tây Bắc và Tây Nguyên. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chuyển đổi số khó nhất. Tuy nhiên, đồng bằng sông Cửu Long vẫn có thể làm tốt việc chuyển đổi số, khi nhiều tập đoàn đã làm thành công, thậm chí có đơn vị đã chuyển đổi số từ rất sớm, trước khi có chủ trương của Chính phủ. Từ các mô hình thành công đó, lãnh đạo các địa phương có thể nhân rộng cho các doanh nghiệp khác trên địa bàn của mình, tận dụng tốt các lợi thế, kênh đầu tư để tập trung cho chuyển đổi số”.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>